Ngay từ tác phẩm đầu tay Điêu tàn (1937), Chế Lan Viên đã thành danh thi sĩ khi còn là một chàng trai 17 tuổi. Đã 80 năm trôi qua, kể từ Điêu tàn, nhưng tôi tin chắc rằng còn nhiều người trong chúng ta vẫn nhớ những câu thơ: “Ai đâu trở lại mùa thu trước/Nhặt lấy cho tôi những lá vàng/Với của hoa tươi, muôn cánh rã/Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!” (Xuân).
Thật kỳ lạ, khó hiểu, nếu chỉ dừng lại ở lớp vỏ ngoài của ngôn ngữ thơ, có thể chắn một cơn lũ dữ, xẻ một ngọn núi, đào một con sông, nhưng không ai có thể làm cái việc phi lý, trái quy luật là “chắn nẻo xuân sang” bằng những xác lá vàng, những cánh hoa tàn úa của mùa thu trước góp lại. Đừng nói là trong đời thực, ngay cả những câu chuyện cổ tích giàu trí tưởng tượng nhất cũng chưa nghe kể bao giờ. Nhưng phải chăng cũng chính cái tưởng chừng phi lý, nghịch lý này đã góp phần tạo nên sức ám ảnh thi vị của thơ Chế Lan Viên?
Phong cách nghệ thuật độc đáo, độc sáng của Chế Lan Viên không chỉ lóe sáng nhất thời trong bầu trời thi ca lãng mạn thời Thơ mới, mà ngày càng tỏa sáng với thời gian. Sau Cách mạng tháng Tám, Chế Lan Viên thoát ly dần những ngôi cổ tháp hoang tàn phế tích với những “tượng Chàm lở lói nỉ non than”, hòa nhịp vào thời cuộc, cảm nhận sâu sắc một thực tế đau lòng “cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ” dưới ách thống trị hà khắc của quân xâm lược ngoại bang. Câu thơ của Chế Lan Viên không còn đượm nét siêu hình, hư vô mà vượt lên thân phận cá nhân, hóa thân làm hạt muối mặn lòng người: “Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể/Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư” (Khi đời có hướng rồi).
Thời Điêu tàn, cũng như nhiều nhà thơ cùng thời, Chế Lan Viên mải mê sống trong ngôi tháp ngà thơ, mặc thế sự nhân tình mưa nắng: “Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết/Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày” (Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi).
Nhưng rồi cái thời buồn chán, hư vô ấy đã qua đi, với Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi, như có phép lạ, hồn thơ Chế Lan Viên ngập tràn “ánh sáng và phù sa”, với những vần thơ tuyệt tác chứa chan tình tự dân tộc, tự hào đất nước có những anh hùng thao lược toàn tài, danh nhân văn hóa kiệt xuất, tay gươm tay bút, vừa làm thơ vừa đánh giặc: “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn/Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc/Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng” (Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?).
Không chỉ tự hào về những trang sử, trang văn sáng ngời của Tổ quốc, Chế Lan Viên còn tự hào hơn về những ngày mình đang sống hôm nay: “Những ngày tôi đang sống đây là ngày đẹp hơn tất cả/Dù mai sau đời trăm vạn lần hơn”.
Những ngày đẹp hơn tất cả mà Chế Lan Viên muốn nói là những ngày của hai cuộc trường kỳ kháng chiến, tất cả vì đại nghĩa của dân tộc. Thói ích kỷ, thu vén cá nhân, vụn vặt bị đẩy lùi vào bóng tối, nhường chỗ cho sự đồng tâm nhất trí, chung sức chung lòng, người người đều muốn vượt lên chính mình để được đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp chung: “Không ai có thể ngủ yên trong đời chật/Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng/Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt/Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?).
Với hơn 300 bài thơ, như một rừng hoa đa sắc, đa hương của riêng phong cách Chế Lan Viên. Đặc biệt phần Di cảo, viết vào những năm tháng cuối đời chênh vênh giữa đôi bờ sinh tử vì căn bệnh trầm kha, cái tài hoa, tinh tế, uyên bác của Chế Lan Viên càng cô đọng trong trang thơ, gợi lên những xúc cảm thẩm mĩ phức hợp, xao xuyến, da diết nao lòng. Xin được mượn lời của Giáo sư Mai Quốc Liên, người bạn thân thiết, hiểu thấu đáo cuộc đời, trang thơ của Chế Lan Viên: “Chế Lan Viên là một trí thức lớn trong một nhà thơ lớn. Anh đọc rất rộng, từ các nền thơ khắp thế giới đến các triết thuyết Đông Tây từ Phật giáo, Hồi giáo đến các triết thuyết phương Tây hiện đại và dĩ nhiên là những tư tưởng biện chứng của Hồ Chí Minh, K. Marx… Anh đặc biệt yêu quý, trân trọng nền văn hóa, nền thơ ca dân tộc ca ngợi nó, tiếp nhận nó, viết về nó, nghĩ về nó thật sâu sắc, độc sáng… Nói về Chế Lan Viên, phải nhiều người nói, nhiều thế hệ nói, nói trong so sánh với nền thơ ta, nền thơ thế giới để thấy hết các bút pháp, các sáng tạo, các cá biệt của anh, của thế hệ anh” (Lời cuối sách).