Kỷ niệm 80 năm ngày sinh (1928-2008) và 12 năm ngày mất (1996-2008) của nhạc sĩ Xuân Hồng, NXB Trẻ đã ra mắt bạn đọc công trình tổng hợp giá trị những tác phẩm của ông - một con người không chỉ để lại cho đời những bài hát bất hủ, mà còn là một sự tinh cất, chắt lọc từ những gì đọng lại đã tạo nên một tài năng, một nhân cách, một tâm hồn. Chúng tôi xin trích đăng một trong số bài viết của ông trong tuyển tập.
"Đêm giã gạo trên sóc Bom Bo năm ấy không giống cảnh đêm trăng giã gạo năm nào ở quê tôi cả về hình thức lẫn nội dung, nhưng cảnh thiên nhiên hùng vĩ và lao động hăng say ấy đã khơi dậy trong tôi những kỷ niệm, những ấp ủ từ lâu.
Âm hưởng của những tiếng chày năm nào hòa quyện vào nhịp điệu của tiếng chày hôm nay đã làm trỗi dậy trong tôi niềm cảm hứng, khơi dòng cho giai điệu, tiết tấu của bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo. Và, tôi không thể nào quên, anh Hồng Sơn, Ban Chính trị Trung đoàn 2 đã cùng một cảm xúc gần nhau nên anh viết một bài thơ mà tôi có tham khảo trong sáng tác của mình.
Tôi cho rằng: cảm hứng có khi là sự bất chợt, nhưng cái bất chợt ấy chính mình phải đi tìm lấy. Cảm hứng sáng tác, dù hết sức quan trọng nhưng cũng chỉ là cái nút bấm mở ngỏ, khơi dòng tuôn chảy cho một tiềm năng đã được tích tụ.
Còn phông màn, trang phục bị địch lấy, bây giờ làm thế nào mua sắm cho kịp để biểu diễn, phục vụ cho các đơn vị sau chiến thắng trận càn Gianxơn Xity? Có ý kiến là địch cướp của ta thì ta lấy lại của nó.
Đoàn liền cử một tốp võ trang đi theo một đơn vị của Sư đoàn 9. Khi ta phản công, địch rút chạy, chúng bỏ bừa bãi quân trang quân dụng, anh em ta lấy được hai chiếc dù to, loại thả hàng và đủ thứ đồ ăn, thức dùng trong đó có cả trái táo (trái bom) còn đựng nguyên trong thùng bên ngoài có ghi chữ Washington, thủ đô nước Mỹ.
Những chiếc dù lập tức được tháo ra may ngay một bộ phông màn dã chiến. Riêng đối với tôi, đoàn may cho một áo sơ mi để kỷ niệm lên đường. Chiếc áo vải dù chiến lợi phẩm trong chiến đấu chống trận càn Gianxơn Xity của Mỹ tôi đã mặc đi nói chuyện nhiều nơi trên miền Bắc và cả đối với khách quốc tế nữa. Giờ đây tôi vẫn còn giữ nó như một kỷ vật có một không hai.
Lần này tôi lên đường không có mổ heo liên hoan, có lẽ vì thế mà nhẹ bụng nên đi trót lọt. Tuy nhiên về tình cảm, có cái gì lắng đọng, sâu sắc hơn nhiều.
Tôi muốn dừng những trang hồi ức nơi đây, coi như dấu chấm xuống hàng của niềm tâm sự chưa dứt.
Tôi mong ước các bạn hiểu giùm cho, đây là đoạn đường của một con người bình thường như những con người khác, sinh ra và lớn lên trong một đất nước bị nô lệ, đôi lúc có những ước muốn hết sức đơn giản nhưng cũng khó mà đạt được; nhưng ở đời, nếu muốn có những ước mơ chính đáng của con người trở thành sự thật thì không có cách nào khác hơn là phải dấn thân, và cuộc sống bao giờ cũng là người thầy vĩ đại của chúng ta…”
-----------------------
* Sách do Hội Âm nhạc TPHCM chủ biên, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang thực hiện.