Tuyển sinh trường nghề: Mừng ít, lo nhiều

Năm học mới đã qua một tuần, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn TPHCM phấn khởi do tuyển sinh đạt chỉ tiêu. Mặc dù vậy, vẫn có những trường nghề “khát” người học và đang tiếp tục “trải thảm đỏ” mời gọi thí sinh.

Nhiều trường tuyển sinh khả quan

Sáng 5-9, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật quận 12 tổ chức khai giảng năm học mới cho 1.587/1.750 học sinh, đạt 90,68% chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2024-2025. Trường có 14 ngành đào tạo và hầu hết đã tuyển đủ chỉ tiêu. Những ngành được học sinh quan tâm, xét tuyển nhiều là: Bảo trì sửa chữa ô tô (226/200 chỉ tiêu); Kỹ thuật pha chế và phục vụ đồ uống (209/200 chỉ tiêu); tiếng Hàn Quốc (56/50 chỉ tiêu)...

ThS Trần Nguyên Thục, Hiệu trưởng nhà trường, phấn khởi cho biết: “Đây là năm thứ 2 trường tuyển sinh đạt kết quả tích cực. Có nhiều nguyên nhân để trường đạt kết quả này, nhưng tựu trung là do trường lớp được đầu tư đồng bộ, khang trang; đặc biệt là có sự liên kết chặt chẽ với trên 50 doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho học viên, sinh viên”.

K4b.jpg
Thầy và trò Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành trên máy

Tương tự, Trường Cao đẳng nghề TPHCM, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, Trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM, Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM… cũng tuyển sinh đạt 80%-100% chỉ tiêu.

TS Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TPHCM, cho hay, đến hết ngày 5-9, trường đã tuyển được 3.249/4.810 chỉ tiêu, bao gồm cả hệ chính quy cao đẳng, trung cấp và hệ đào tạo thường xuyên. Các nghề tuyển vượt chỉ tiêu là Công nghệ ô tô, Thiết kế đồ họa, Chế biến thực phẩm và Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm).

ThS Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM, chia sẻ, chỉ tiêu của trường là 3.230 (bậc cao đẳng 2.865, trung cấp 365), hiện đã tuyển được 2.700 chỉ tiêu bậc cao đẳng và 100% chỉ tiêu trung cấp. Các ngành thuộc nhóm ngành kinh tế thu hút thí sinh, như Marketing, Logistics, Kế toán, Kinh doanh thương mại, Kinh doanh xuất nhập khẩu, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn. “Các ngành này đều có tín hiệu tuyển sinh thuận lợi hơn các năm trước, và hơn một nửa số ngành đã tuyển gần hết chỉ tiêu”, ThS Trần Văn Tú nói.

Ở hệ trung cấp, nhiều trường cũng tuyển đạt 60%-80% chỉ tiêu. Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương dự kiến hết tháng 9 sẽ tuyển đạt 650/750 chỉ tiêu cho 12 ngành đào tạo. Trường vẫn tiếp tục tuyển sinh và phấn đấu đến hết tháng 10 tuyển đủ 100 chỉ tiêu còn lại. Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành đã tuyển được gần 400/590 chỉ tiêu...

“Nút thắt” cần được gỡ

Theo báo cáo của Sở LĐTB-XH TPHCM, trong 8 tháng qua, các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố tuyển sinh được gần 140.000 người học, trong đó 4.624 sinh viên cao đẳng, khoảng 4.000 học viên hệ trung cấp, 125.706 học viên sơ cấp và đào tạo thường xuyên. So với cùng kỳ năm 2023, kết quả tuyển sinh tăng 12%. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu năm 2024, kết quả tuyển sinh các trình độ GDNN mới đạt hơn 42,58%.

Ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng Phòng GDNN, Sở LĐTB-XH TPHCM, nhận định, dù kết quả tuyển sinh vượt 12% so với cùng kỳ năm trước nhưng đa số tập trung ở các nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng; trong khi đó hệ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh không như kỳ vọng. Bất cập này xuất phát từ nguyên nhân thông tin của các trường nghề không có trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, dẫn tới đa số phụ huynh, học sinh không có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu hoặc tạo ra tâm lý băn khoăn về chất lượng của các trường nghề.

Một số nguyên nhân khác dẫn đến công tác tuyển sinh chưa tốt là: có đơn vị thực hiện công tác tuyển sinh không hiệu quả, chưa thu hút người học; có đơn vị không thực hiện việc cập nhật báo cáo trên hệ thống thông tin điện tử nên số liệu chưa phản ánh đầy đủ kết quả tuyển sinh…

Chia sẻ thực trạng mà trường nghề đang gặp, hiệu trưởng một trường cao đẳng trên địa bàn TPHCM cho rằng, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, các trường ngoài công lập gặp nhiều khó khăn từ thuê đất để xây trường lớp mới đến chính sách của Nhà nước và địa phương còn nhiều bất cập…

“Dù chúng tôi tìm đủ giải pháp, nhưng kết quả tuyển sinh luôn ở tình trạng “kim tự tháp ngược” trong thời gian qua. Các trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển sinh bằng nhiều hình thức, từ tặng học bổng, miễn, giảm học phí cho người học, đảm bảo cơ hội việc làm khi các em ra trường cho đến đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại… Hy vọng đến cuối năm sẽ tuyển được 70%-80% chỉ tiêu”, vị hiệu trưởng này nói.

TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM, đề xuất: “Để tháo gỡ khó khăn cho trường nghề trong công tác tuyển sinh, phía trường nghề cần Bộ GD-ĐT hỗ trợ, tháo gỡ “nút thắt” bằng cách đưa thông tin tuyển sinh của trường nghề lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Có như vậy, người học mới được tiếp cận thông tin nhanh, chính xác và tin tưởng vào chất lượng đào tạo của trường nghề”.

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Văn Thinh lưu ý: “Để công tác tuyển sinh đạt kết quả, trước tiên các trường phải tập trung rà soát, chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình tổ chức đào tạo; không vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề để không bị phạt; đồng thời, cần chủ động áp dụng các phương thức tuyển sinh hiệu quả hơn các cách thức đang triển khai. Bên cạnh đó, cần phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí để đưa thông tin đến với xã hội về ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm trong nước và ngoài nước, cơ hội học tập ở trình độ cao hơn…”

Tin cùng chuyên mục