Chưa tuyển đủ chỉ tiêu
Th.S Võ Long Triều, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, cho hay, nhà trường bắt đầu mở đăng ký tuyển sinh trực tuyến từ ngày 1-3. Đến hiện tại, trường đã hoàn thành 80% chỉ tiêu trong tổng số gần 3.900 chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, một số ngành “hạ nhiệt” khi chỉ mới tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu, như: Tài chính - Ngân hàng, Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, Tự động hóa công nghiệp.
Có chỉ tiêu 6.000 học sinh, sinh viên nhưng đến giữa tháng 8, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng chỉ tuyển sinh được trên 60% chỉ tiêu. Hiệu trưởng trường này chia sẻ, khó khăn khách quan của trường nghề nói chung là “cánh cửa” đại học năm 2022 mở rộng hơn những năm trước, khi có tới 20 phương thức xét tuyển. Nhiều trường đại học tăng cường các chỉ tiêu xét học bạ để lấy đủ chỉ tiêu, khiến nguồn tuyển trường nghề bị gặp khó. “Trường nghề công lập tuyển sinh đã khó, nhiều trường nghề ngoài công lập còn khó khăn hơn khi có trường mới tuyển được khoảng 30% chỉ tiêu. Một số ngành không tuyển được học viên tối thiểu để mở lớp”, TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, nhận định.
Tương tự, Th.S Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, trăn trở, với cách thức tuyển sinh đại học dễ dàng như năm nay, việc tuyển sinh của cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ gặp không ít cản trở. Đặc biệt, đến cuối tháng 9, các trường đại học mới công bố danh sách trúng tuyển càng khiến nhiều thí sinh tiếp tục chờ cơ hội. Do đó, dù trường đã tuyển sinh được gần 50% chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, nhưng tỷ lệ này vẫn rất đáng quan ngại, trong khi các doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện đang “kêu” vì thiếu lao động có tay nghề, kỹ thuật.
Đầu tư cho trường nghề tương xứng hơn
Theo kế hoạch của khối trường nghề TPHCM, năm 2022 cố gắng tuyển mới 371.000 người học ở các trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng; tổ chức đào tạo cho 5.300 lao động nông thôn trên địa bàn và tổ chức đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực sau tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp, tham gia thị trường lao động thành phố đến cuối năm đạt 86,05%. Tuy nhiên, qua báo cáo nhanh của các trường nghề thì kết quả mới đạt 40%-60% chỉ tiêu tuyển sinh.
Nhận định nguyên nhân, các chuyên gia về nguồn nhân lực thẳng thắn chỉ rõ, trường nghề chưa được đầu tư xứng tầm để tạo dựng môi trường nghề hấp dẫn. “Các trường nghề, nhất là trường ngoài công lập, đã khó nay càng khó hơn. Mặc dù đã nỗ lực đầu tư từ đội ngũ đến cơ sở vật chất nhưng vẫn tuyển sinh chưa đạt yêu cầu”, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp, nói.
Đứng ở góc độ quản lý, Th.S Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTB-XH TPHCM, cho rằng, tiến độ tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp phần lớn phụ thuộc vào tiến độ tuyển sinh của giáo dục đại học. Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT thường có nhiều nội dung thay đổi nên chắc chắn trường nghề trở tay không kịp, dù được tuyển sinh quanh năm.
Theo hiệu trưởng nhiều trường nghề, mọi khó khăn đều có thể giải quyết nếu việc phân luồng học sinh về các trường nghề được quan tâm hơn. Bên cạnh đó, các trường mong muốn có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của thành phố, vì dịch Covid-19 đã làm nhiều trường gần như kiệt quệ, khó tiếp tục duy trì hoạt động dạy - học, tuyển sinh. Thành phố cần cơ chế mở rộng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại cho các trường nghề, kể cả trường ngoài công lập, để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo 100% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm… Khi đó, trường nghề có nhiều học viên, có nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm, thực tế không phải ngành nào, trường nghề nào cũng gặp khó trong công tác tuyển sinh. Có trường còn tuyển vượt chỉ tiêu, học sinh vào trường phải sơ tuyển, thi tuyển. Lý do là các trường này xây dựng thương hiệu, chất lượng đào tạo, liên kết doanh nghiệp tốt; có cam kết đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp. Vì vậy, giáo dục nghề nghiệp thành phố phải thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp trong tuyển sinh, đào tạo; vừa phải nâng cao chất lượng đào tạo, vừa phải đẩy mạnh truyền thông tuyển sinh.
TS Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề TPHCM, chia sẻ, tình hình tuyển sinh hệ trung cấp của trường năm nay so với mọi năm khả quan hơn vì học sinh học nghề vẫn có thể tiếp tục học văn hóa, sau đó học liên thông lên cao đẳng. Riêng hệ cao đẳng gặp khó vì nhiều lý do, kể cả khách quan lẫn chủ quan. Hiện trường được tuyển sinh quanh năm nên sẽ không chạy đua với chỉ tiêu, mà làm thế nào đào tạo ra người học có tay nghề, vì trường xác định chất lượng đào tạo là quan trọng nhất. |