Trăm nỗi băn khoăn khi chọn ngành
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm 2018 đang cận kề. Chỉ còn thời gian rất ngắn nữa học sinh lớp 12 đưa ra quyết định cuối cùng khi chọn trường, chọn ngành. Tuy nhiên, nhiều học sinh tỏ ra hoang mang không biết mình sẽ chọn nghề gì, học trường nào trước hàng loạt thông tin tuyển sinh của các trường CĐ, ĐH trong cả nước.
Theo khảo sát, có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến quyết định chọn ngành của học sinh. Có thể xuất phát từ đam mê, sở trường; xuất phát từ nguyện vọng, truyền thống gia đình; theo xu hướng xã hội hiện tại hoặc theo số đông bạn bè cùng trang lứa.
Thí sinh Nguyễn Ngọc Lan (TPHCM) chia sẻ: “Lúc nhỏ em thích làm giáo viên. Bây giờ em lại thích làm hướng dẫn viên du lịch. Còn cha mẹ lại muốn em làm kế toán để ra trường dễ kiếm việc làm. Em nghĩ chọn học ngành gì là do mình quyết định, những yếu tố khác mình chỉ nên tham khảo chứ không nên bị tác động”.
Th.S Nguyễn Duy Cường, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến (TPHCM) cho biết: “Qua nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh, tôi nhận thấy những sinh viên chọn ngành theo đam mê, sở thích của bản thân sẽ có kết quả học tập tốt hơn, có hứng thú với việc học hơn và ra trường sẽ thành công hơn so với những em chọn ngành học theo số đông hoặc định hướng của gia đình”.
Chọn học trường công hay trường tư thục?
Thí sinh Trần Văn kể về quá trình chọn trường của mình: “Em muốn chọn ngôi trường nào có có chất lượng đào tạo tốt, năng động, học phí không quá cao để có thể theo học suốt 4 năm. Em không phân biệt trường công hay trường tư thục. Em vẫn thường tìm hiểu thông tin trên mạng, qua kinh nghiệm của các anh chị đi trước”.
Còn thí sinh Đoàn Thị Xuyến chia sẻ: “Quan trọng nhất là em phải biết mình muốn gì, thích gì. Lúc đó, thầy cô ở môi trường nào cũng sẽ sẵn sàng tạo điều kiện và giúp đỡ sinh viên mình hết lòng thôi”.
Có thể thấy, quá trình xã hội hóa giáo dục đã tạo nhiều cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH hơn cho người học. Học sinh không chỉ ưu tiên chọn trường công lập mà còn dành sự quan tâm đặc biệt đến hệ thống các trường ngoài công lập uy tín, chất lượng, cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi.
Hiện nay, một số trường ĐH công lập tự chủ tài chính dẫn đến học phí sẽ tăng tương đương với học phí các trường ngoài công lập. Đây cũng là lý do khiến học sinh cân nhắc hơn khi chọn trường. Trên cơ sở đó, một lượng lớn học sinh dành sự quan tâm đặc biệt đến hệ thống các trường ngoài công lập vì những ưu thế vượt trội. Chương trình đào tạo của những ngôi trường này thay đổi theo hướng nâng cao tính ứng dụng thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng và nguyện vọng của sinh viên.
Không những được đào tạo bài bản về mặt chuyên môn, các câu lạc bộ đội nhóm tại các trường CĐ, ĐH ngoài công lập còn đóng vai trò là nơi truyền cảm hứng, rèn luyện cho các em kỹ năng mềm để tự tin cạnh tranh trong thị trường lao động nhộn nhịp.