Theo đó, cơ chế tính điểm ưu tiên cho thí sinh đảm bảo công bằng hơn cho người học trong tiếp cận giáo dục đại học; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh phần nào giúp các trường hạn chế lượng sinh viên ảo và giúp sinh viên bớt đi cảm giác “chơi xổ số” trong việc lựa chọn con đường học hành của mình và đặc biệt là tính minh bạch đã được cải thiện. đây cũng là kỳ tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT tích cực đồng hành với các cơ quan báo đài để giải đáp và nhận ý kiến góp ý của xã hội.
Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh đại học năm nay vẫn còn những vấn đề cần xã hội cũng như các trường đại học chung tay tháo gỡ. Đó là việc một số trường đại học nhanh tay tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ từ sớm, dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của những thí sinh có kết quả học lực tốt nhưng “chậm chân” hơn do dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều này nhiều chuyên gia đã từng lên tiếng: có quá nhiều phương thức xét tuyển sẽ gây mất công bằng cho thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, đa phần chỉ kỳ vọng vào xét tuyển theo điểm thi THPT vì không có điều kiện tham gia các kỳ thi năng lực, tư duy, IELTS…
Mặc dù đa số các đề án tuyển sinh các trường đại học đều dành 20%-50% chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi THPT nhưng trên thực tế số chỉ tiêu này rất thấp... Điểm chuẩn theo điểm thi THPT tăng cao cũng khiến học sinh các vùng sâu, vùng xa chịu thiệt thòi hơn so với phần còn lại vì với điều kiện học tập, điểm ưu tiên khu vực giảm thì các em không thể trúng tuyển vào các trường đại học tốp trên... Trong khi đó, các tổ hợp xét tuyển đã giảm bớt nhưng vẫn còn những băn khoăn về cơ sở khoa học của việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển. Ngay cả các kỳ thi đánh giá năng lực của một số cơ sở giáo dục đại học cũng cần được nghiên cứu đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo tính khách quan, độ tin cậy.
Tuyển sinh là khâu ban đầu hết sức quan trọng trong quá trình đào tạo bậc đại học kéo dài 4-5 năm, nhưng những vấn đề vừa nêu có thể xem bắt nguồn từ yếu tố tài chính khiến các trường làm mọi cách để tuyển sinh được càng nhiều càng tốt. Vì thế, cần có cơ chế hợp lý để giảm bớt tình trạng tuyển sinh kiểu “vơ bèo vạt tép”, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao của quốc gia.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thực hiện tốt vai trò điều phối thông qua cơ chế để đảm bảo sự phát triển hài hòa về cơ cấu trình độ nhân lực, cơ cấu ngành học và cơ cấu vùng miền. Những quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo điều kiện đảm bảo chất lượng như số giảng viên cơ hữu, diện tích phòng học… mới chỉ giữ vai trò điều tiết vi mô mà chưa đảm bảo được cân đối vĩ mô. Điều này có nghĩa là trường nào có điều kiện (giảng viên, diện tích phòng học) tốt hơn thì càng tuyển được nhiều sinh viên. Hệ quả là nguồn “cung” của một ngành học nào đó thừa ra và khó kiểm soát.
Quyền tự chủ của các trường cần được tôn trọng nhưng không thể không có bàn tay quản lý nhà nước để đảm bảo giáo dục đại học phát triển, cung ứng nguồn lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.