Tuyển sinh đại học năm 2025: Rối với quy đổi điểm

Ngay khi Bộ GD-ĐT thông tin về hướng dẫn quy đổi điểm của các kỳ thi riêng (thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng lực chuyên biệt...) trong xét tuyển, các trường đại học và cả thí sinh đều băn khoăn. Hiện các trường đang loay hoay xây dựng quy trình quy đổi, trong khi thí sinh lại không biết cách thực hiện quy đổi như thế nào để biết mình có khả năng trúng tuyển hay không.

Khoảng 300.000 lượt thí sinh tham dự kỳ thi riêng

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 (gọi tắt là quy chế tuyển sinh) có hai điểm mới so với quy chế cũ, đó là: bỏ xét tuyển sớm và quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT (quy đổi điểm của các kỳ thi riêng).

Trong đó, việc quy đổi điểm của các kỳ thi riêng không áp dụng với những ngành chỉ sử dụng một phương thức xét tuyển, như xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc xét điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL); chỉ những ngành, chương trình có nhiều phương thức xét tuyển mới phải quy đổi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, ban đầu, Bộ GD-ĐT chỉ đưa vào dự thảo quy chế tuyển sinh nội dung: các trường phải quy đổi tương đương và giải trình được căn cứ đưa ra công thức quy đổi như vậy. Ví dụ, điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT là 25/30 tương đương với 120/150 điểm thi ĐGNL. Bộ GD-ĐT không có ý định đưa ra hướng dẫn và khung quy đổi chung.

Tuy nhiên, các trường đại học lại đề nghị Bộ GD-ĐT đưa ra khung quy đổi bởi Bộ GD-ĐT có đầy đủ dữ liệu điểm các kỳ thi của thí sinh. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra khung quy đổi với các phương thức, tổ hợp phổ biến, nhưng không phải là công thức quy đổi chung cho tất cả trường và ngành. Từ khung quy đổi này, các trường có thể điều chỉnh theo đặc thù.

I4b.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đợt 1 do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 5 và 6-4

Qua ghi nhận, năm 2025, cả nước có khoảng 10 kỳ thi riêng, như kỳ thi ĐGNL (của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM), thi ĐGNL chuyên biệt (Trường ĐH Sư phạm TPHCM), thi đánh giá tư duy (ĐH Bách khoa Hà Nội)...

Trong đợt 1 kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM đã có hơn 126.000 thí sinh dự thi, của ĐH Quốc gia Hà Nội có khoảng 90.000 lượt thí sinh đăng ký... Nếu tính cả thí sinh đăng ký các kỳ thi riêng của ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM và một số trường khác thì năm 2025 có khoảng 300.000 lượt thí sinh tham dự kỳ thi riêng để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học.

Số trường đăng ký sử dụng điểm của các kỳ thi riêng để xét tuyển cũng lên đến hàng trăm trường (gần 200 trường đại học, cao đẳng đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL, 50 trường đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội...).

Lúng túng về cách quy đổi

Mặc dù đã có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT quy đổi điểm các kỳ thi riêng, nhưng thí sinh lẫn phụ huynh vẫn lúng túng. Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, bộ mới chỉ đưa ra khung quy đổi chung dựa trên điểm thi của các thí sinh. Khi xây dựng công thức quy đổi điểm, các trường sẽ phải dựa trên kết quả học tập sau 1-2 năm tại trường của sinh viên ở các phương thức khác nhau. Sau đó, các trường đánh giá sinh viên trúng tuyển bằng điểm chuẩn phù hợp. Đó là trách nhiệm và quyền tự chủ của các trường.

Tuy nhiên, phụ huynh Lê Văn Tuấn (quận Bình Tân, TPHCM, có con vừa dự kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 3-3) băn khoăn: “Con tôi làm bài và dự đoán đạt khoảng 750/1.200 điểm. Vừa rồi, Bộ GD-ĐT yêu cầu phải quy đổi điểm. Một số trường vừa công bố lấy điểm sàn xét tuyển 600 điểm, tôi liên hệ hỏi quy đổi thế nào thì các trường nói là chờ công bố. Tôi và con tôi cảm thấy rối, không biết quy đổi thế nào và ra bao nhiêu điểm theo thang điểm 30”.

I1g.jpg
Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐHQG TPHCM tổ chức ngày 30-3

Liên quan đến cách quy đổi điểm của kỳ thi ĐGNL, đại diện Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, có rất nhiều thí sinh, phụ huynh hỏi về cách quy đổi điểm nhưng thực tế chưa thể trả lời vào thời điểm này.

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 19-3-2025, quy đổi tương đương là việc quy đổi ngưỡng đầu vào (điểm sàn), điểm trúng tuyển giữa các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển của một mã xét tuyển theo một quy tắc do cơ sở đào tạo quy định, bảo đảm tương đương về mức độ đáp ứng yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo tương ứng.

Vì vậy, việc quy đổi sẽ không thực hiện trên từng điểm số cụ thể của thí sinh. Cơ sở đào tạo sẽ chỉ công bố cách thức quy đổi tương đương ngưỡng điểm sàn, điểm trúng tuyển của các tiêu chí xét tuyển nhằm đảm bảo công bằng trong công tác xét tuyển giữa các tiêu chí khác nhau. ĐH Quốc gia TPHCM cũng đang thực hiện các bước quy đổi sao cho phù hợp nhất.

Trong khi đó, đại diện nhiều trường lại cho rằng, việc quy đổi điểm có nhiều bước phải thực hiện, trong đó có rà soát, đối chiếu kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển bằng nhiều phương thức ở những năm trước để tham khảo (thông tin này thí sinh không thể biết). Sau khi thực hiện, các trường sẽ quy ra mức điểm tương tương.

“Nói chung, quy trình quy đổi khiến các trường tốn thêm nhiều thời gian trong khâu tuyển sinh, thậm chí có thể nhận thêm nhiều rắc rối khi thí sinh, phụ huynh thắc mắc và yêu cầu phải chứng minh cách quy đổi”, hiệu trưởng một trường đại học chia sẻ.

Ông HOÀNG MINH SƠN - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:

Có nhiều phương pháp quy đổi

Có nhiều phương pháp quy đổi mà các nhà toán học, nhà khoa học rất quen với việc này. Thứ nhất là phương pháp phân vị. Chúng ta lấy dữ liệu của một lượng lớn thí sinh có cả kết quả thi tốt nghiệp, điểm học bạ, điểm thi ĐGNL, điểm thi đánh giá tư duy, sau đó xét theo các mốc điểm.

Chẳng hạn, các trường lấy tốp 1% thí sinh của tất cả phương thức. Điểm để đạt tốp 1% này theo kết quả thi ĐGNL và thi tốt nghiệp THPT là bao nhiêu, thì đó sẽ là mức tương đương. Tiếp đó, các trường lại xem mốc điểm để đạt tốp 5%, 10% là ở khoảng nào của từng phương thức, từ đó sẽ đưa ra được mức tương đương của hai loại điểm đó.

Cách thứ hai là hồi quy tuyến tính. Ví dụ, một trường lọc ra các thí sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT trong khoảng 20-21. Sau đó xem những em này có điểm thi ĐGNL trong khoảng nào, rồi dùng phương pháp xấp xỉ tuyến tính để ra được khoảng điểm tương ứng giữa hai phương thức.

Ngoài ra còn có một số phương pháp khác. Về mặt khoa học, tính toán, điều này khá đơn giản và các trường đều có thể làm được.

TS DƯƠNG TÔN THÁI DƯƠNG - Phó trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM:

Chưa thật sự thuyết phục

Quy định quy đổi điểm của Bộ GD-ĐT có phần hợp lý, nhằm đảm bảo tính công bằng khi một ngành có nhiều phương thức xét tuyển, nhưng có lẽ thời điểm này chưa thật sự phù hợp cho công thức quy đổi.

Thứ nhất, chọn mẫu để quy đổi khá khập khiễng khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và các kỳ thi riêng có đề thi, cấu trúc hoàn toàn khác nhau. Đó là chưa nói tới các kỳ thi riêng cũng không giống nhau về cấu trúc đề, thang điểm (có kỳ thi điểm tối đa là 1.200 điểm, có kỳ thi 150 điểm, có kỳ thi 100 điểm...). Còn căn cứ vào kết quả học tập của sinh viên ở các phương thức xét tuyển từ những năm trước để làm cơ sở quy đổi điểm cũng không thuyết phục.

Hiện chúng tôi đang xây dựng và đưa ra các mức điểm để quy đổi (các khoảng điểm chứ không quy đổi ở từng điểm cụ thể), nhưng cần ý kiến của Bộ GD-ĐT. Sau khi thống nhất ý kiến của các bên, chúng tôi sẽ công bố để thí sinh nắm rõ. Nói chung, quy định quy đổi điểm các kỳ thi riêng về một thang điểm chung khi xét tuyển trong năm nay chưa thật sự thuyết phục.

ThS TRƯƠNG QUANG TRỊ - Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành:

Chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT

Đi tư vấn tuyển sinh, tôi gặp khá nhiều thắc mắc của thí sinh, giáo viên các trường THPT về cách thực hiện quy đổi điểm nhưng rất khó trả lời; bởi hiện nay Bộ GD-ĐT mới quy định chung chung và giao các trường đại học xây dựng quy tắc quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển về một thang điểm chung.

Việc quy đổi này dựa trên việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ làm cơ sở, kết hợp với dữ liệu thống kê và phân tích kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển theo các phương thức khác nhau trong những năm trước. Mục tiêu là đảm bảo công bằng và minh bạch trong tuyển sinh.

Hiện nay, nhà trường cũng như nhiều trường khác đang tiến hành xây dựng quy tắc quy đổi điểm dựa trên hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và có trao đổi cùng với các trường. Khi có quy trình quy đổi tối ưu, cùng với hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD-ĐT, nhà trường sẽ công bố chi tiết về cách quy đổi điểm để thí sinh biết rõ.

Với những thay đổi trong cách tuyển sinh năm nay, thí sinh nên theo dõi, nắm kỹ thông tin từ các trường, cần thiết thì có thể liên hệ trực tiếp để được tư vấn, giải đáp những thắc mắc.

Tin cùng chuyên mục