Tuyển sinh đại học năm 2025: Điều chỉnh nhiều tổ hợp môn xét tuyển

Năm 2025, với những dự kiến thay đổi của dự thảo quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), các trường sẽ đồng loạt điều chỉnh lại tổ hợp môn xét tuyển. Theo đại diện của nhiều trường ĐH, việc điều chỉnh này là phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để tạo thuận lợi cho thí sinh.

Nhiều tổ hợp xét tuyển mới

Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong 9 môn (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Trong đó, các môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật lần đầu xuất hiện ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này cũng sẽ tạo nên sự thay đổi ở các tổ hợp xét tuyển ĐH. Do đó, nhiều trường sẽ có điều chỉnh tổ hợp xét tuyển.

Để thí sinh không bỡ ngỡ, nhiều trường đã công bố bổ sung các tổ hợp xét tuyển mới. Trường ĐH Công thương TPHCM bổ sung 5 tổ hợp mới, trong đó có 4 tổ hợp khối C là C00 (Văn, Sử, Địa), C01 (Văn, Toán, Lý), C02 (Văn, Toán, Hóa), C14 (Toán, Văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật), chủ yếu để tuyển sinh các ngành Luật, Quản trị kinh doanh, Khách sạn. Tổ hợp còn lại là Toán, Tin học và Tiếng Anh, dùng để xét tuyển các ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin và Khoa học dữ liệu.

w4d-crop-6123.jpg
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển tại Trường ĐH Mở TPHCM

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, ngoài tổ hợp A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), năm 2025, trường thêm 2 tổ hợp mới là Toán, Tiếng Anh, Tin học và Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật. So với năm ngoái, 2 tổ hợp mới được dùng thay thế 2 tổ hợp truyền thống là A00 (Toán, Lý, Hóa) và D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh).

Riêng Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) xét tuyển kết hợp (điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, điểm học bạ THPT, điểm năng khiếu...) nhưng dự kiến đề xuất với Đại học Quốc gia TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép tổ hợp xét tuyển gồm 2 môn. Trong đó, tổ hợp gồm 1 môn cứng (Toán hoặc Ngữ văn) và 1 môn thuộc nhóm tự chọn (Lý, Hóa, Sinh…). Tuy nhiên, nhà trường cho rằng sẽ có quyết định chính thức khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế tuyển sinh năm 2025.

Ngoài các tổ hợp mới, năm 2025, các trường cũng loại bỏ một số tổ hợp xét tuyển có 2 tổ hợp bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội (2 môn thi tốt nghiệp của năm 2024).

Tạo thuận lợi cho thí sinh

TS Quách Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết, nhà trường chờ quy chế tuyển sinh ĐH chính thức của Bộ GD-ĐT mới công bố đề án tuyển sinh năm 2025. Tuy nhiên, điều chắc chắn là đề án tuyển sinh năm nay của trường sẽ có sự thay đổi về tổ hợp xét tuyển. Sự thay đổi sẽ theo hướng thêm các môn mới vào tổ hợp xét tuyển, đồng thời bỏ một số môn trong tổ hợp xét tuyển cho phù hợp với các môn thi tốt nghiệp và các môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), việc nhà trường điều chỉnh, bổ sung các tổ hợp xét tuyển trong năm 2025 là dựa trên khảo sát xét dữ liệu tuyển sinh nhiều năm, cũng như thực tế triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể, xu hướng thí sinh đăng ký tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh) ngày càng giảm. Trong khi 4 tổ hợp được trường sử dụng để tuyển sinh năm 2025 đều có Toán và Tiếng Anh - 2 môn cho thấy khả năng tư duy, năng lực ngoại ngữ để đáp ứng khả năng học đại học. Dự thảo quy chế của Bộ GD-ĐT quy định các trường không giới hạn tổ hợp xét tuyển nhưng bị ràng buộc về tỷ lệ các môn trong tổng điểm xét tuyển là phù hợp và đúng với nguyện vọng của nhiều trường.

Trong khi đó, đại diện Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, định hướng tổ hợp xét tuyển của trường giữ ổn định, không thay đổi nhiều. So với năm 2024, trường bỏ các tổ hợp môn không còn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới như: Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Các môn chủ yếu trong tổ hợp xét tuyển của trường trong năm 2025, gồm: Toán, Văn, Vật lý, Hóa học và Ngoại ngữ (Tiếng Anh). Riêng phương thức xét tuyển theo quá trình học tập từ lớp 10 đến lớp 12, tổ hợp xét tuyển cũng được xây dựng dựa trên các môn học bắt buộc và môn học chính.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc các trường ĐH điều chỉnh, bổ sung hoặc bỏ một số tổ hợp môn xét tuyển ĐH là hoàn toàn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh lựa chọn các môn thi tốt nghiệp để xét tuyển, những môn trong tổ hợp xét tuyển ở các phương thức xét tuyển khác.

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ GD-ĐT, đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả đánh giá khác), tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn. Trong đó, phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm. Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm. Trường hợp sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.

Tin cùng chuyên mục