Nhiều ngành có điểm chuẩn tuyệt đối
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) là trường duy nhất phía Nam có ngành đạt mức điểm chuẩn tuyệt đối 30 điểm/3 môn trong tổ hợp xét tuyển. Năm 2024, trường tuyển sinh tổng 4.010 chỉ tiêu (tăng 10% chỉ tiêu so với năm trước), trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng là 205 và chỉ tiêu tuyển sinh phương thức ưu tiên xét tuyển là 802 (tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển của 2 phương thức này là 2.686 thí sinh với 6.197 nguyện vọng).
Theo đó, ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến, 90 chỉ tiêu) có điểm chuẩn trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển là 10 điểm; kế đến là các ngành/nhóm ngành có điểm chuẩn tăng cao so với năm 2023: Kỹ thuật điện tử - viễn thông; Thiết kế vi mạch; Vật lý học; Công nghệ Vật lý điện tử và tin học; Công nghệ bán dẫn; Toán học; Toán tin; Toán ứng dụng... với mức điểm chuẩn dao động từ 9,3 - 9,9 điểm.
Tại khu vực phía Bắc, Trường ĐH Luật Hà Nội lấy điểm chuẩn 30 với ngành Luật Kinh tế ở khối A00 (Toán, Lý, Hóa) và A01 (Toán, Lý, Anh). Đây là tổng điểm trung bình 5 học kỳ của ba môn trong tổ hợp xét tuyển. Trong khi đó, Học viện Ngân hàng có 8 ngành lấy điểm chuẩn học bạ ở mức 29,9/3môn (trường có cộng điểm ưu tiên, khuyến khích của trường lên tới 3 điểm với học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia hoặc học sinh trường chuyên).
Trong khi đó, ở các trường đào tạo nhóm ngành kinh tế điểm chuẩn cũng tăng mạnh. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế TPHCM có mặt bằng điểm chuẩn của các phương thức xét tuyển sớm tăng so với năm 2023, trong đó điểm chuẩn phương thức xét tuyển học sinh giỏi dao động từ 48-83 điểm (có ngành đến 11 điểm so với năm 2023); phương thức xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn có điểm chuẩn dao động từ 49-85 điểm (ngành tăng cao nhất 9 điểm); phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) có điểm chuẩn từ 800-995 điểm (ngành tăng cao nhất 40 điểm).
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), điểm chuẩn cao nhất không còn thuộc về ngành Báo chí mà thuộc về ngành Truyền thông đa phương tiện khi điểm chuẩn của các phương thức xét tuyển sớm dao động từ 28,85-29 điểm và điểm thi ĐGNL lên đến 963 điểm (cao hơn 88 điểm so với ngành Báo chí)...
Ở chiều ngược lại, điểm chuẩn của nhiều trường ĐH tốp dưới và các trường ĐH địa phương ở phương thức xét học bạ chỉ 18 điểm/3 môn, điểm thi ĐGNL 600 điểm. Thậm chí, có nhiều trường như ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, ĐH Gia Định, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương... điểm chuẩn chỉ từ 15-17 điểm/3 môn (với phương thức xét tuyển học bạ).
Tỷ lệ nhập học thấp
Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Trường ĐH Công thương TPHCM), trường dành 40%-50% chỉ tiêu (2.800 - 3.500 chỉ tiêu) trong tổng số 7.000 chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm. Tổng số hồ sơ hơn 12.000 (tăng khoảng 5.000 hồ sơ) so với năm 2023. Hồ sơ và nguyện vọng tăng nhưng tập trung vào một số ngành nên dẫn đến điểm chuẩn tăng là tất yếu. Tuy nhiên, thực tế qua nhiều năm xét tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học chỉ dao động từ 20%-35%.
Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), thí sinh tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển cần lưu ý: thí sinh có kết quả đã trúng tuyển (sớm, có điều kiện) thì bắt buộc phải đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT thì nguyện vọng đó mới có giá trị xét tuyển cuối cùng.
Nếu thí sinh không đăng ký xác nhận nguyện vọng đã trúng tuyển trên hệ thống trong thời gian quy định thì xem như không trúng tuyển. Ngoài ra, bộ đã khuyến cáo các trường không được gửi giấy báo trúng tuyển với thí sinh trúng tuyển sớm, không được yêu cầu thí sinh trúng tuyển sớm đóng tiền giữ chỗ.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, phân tích: Đa phần các phương thức xét tuyển sớm ở các trường cao nhất chỉ khoảng 30%-40% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học ở các trường ĐH tốp trên. Với những trường ĐH tốp giữa, trường tốp dưới và các trường tư thì tỷ lệ này chỉ ở mức 20%-25%. Đó là chưa nói ở những ngành khó tuyển, không “nóng sốt” thì tỷ lệ này chỉ khoảng 10%. Nguyên nhân của tình trạng ảo là ở phương thức xét tuyển này trường nào cũng áp dụng nên thí sinh đăng ký vào rất nhiều ngành và nhiều trường. Do đó, một thí sinh cùng lúc có thể đậu nhiều ngành cùng một trường và đậu cả chục trường khác.
Thậm chí, ở phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD-ĐT cũng chung tình trạng ảo nói trên. TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, năm 2023, ĐH Quốc gia TPHCM dành tối đa 5% tổng chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Theo đó, có 567 thí sinh đăng ký và 207 thí sinh trúng tuyển, nhưng tỷ lệ nhập học chỉ đạt 33,75% so với chỉ tiêu (đạt 0,5% so với tổng chỉ tiêu), giảm so với năm 2022 (0,68%). Riêng phân hiệu tại Bến Tre và khoa Chính trị - Hành chính không có thí sinh nào nhập học.