Xu hướng phát triển trường đa ngành
Theo đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường ĐH Kinh tế quốc dân vừa công bố, trường sẽ tuyển 6 ngành mới, gồm Khoa học dữ liệu (khoảng 100 chỉ tiêu), Kỹ thuật phần mềm (50 chỉ tiêu), Hệ thống thông tin (50 chỉ tiêu), Trí tuệ nhân tạo (100 chỉ tiêu), An toàn thông tin (50 chỉ tiêu), Quan hệ lao động (50 chỉ tiêu). Như vậy, lần đầu tiên trường này tuyển sinh các khối ngành thuộc khối kỹ thuật, công nghệ và cấp bằng kỹ sư.
Tương tự, năm 2024, Trường ĐH Ngoại thương tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM sẽ “lấn sân” sang tuyển sinh nhóm ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ bằng việc mở ngành Kỹ thuật phần mềm, Công nghệ thông tin. Trước đó, ĐH Kinh tế TPHCM cũng tuyển sinh ngành Robot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ logistics; Học viện Ngân hàng tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin.
Trong khi đó, nhiều trường có truyền thống đào tạo nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ cũng bắt đầu tuyển sinh các nhóm ngành xã hội, kinh tế. Cụ thể, ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh các ngành khối kinh doanh quản lý, như Quản trị kinh doanh, Tài chính - ngân hàng, Kế toán, Ngôn ngữ Anh.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM bắt đầu tuyển nhiều ngành phi truyền thống của trường, như Ngôn ngữ Anh, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Kế toán, Kinh doanh quốc tế, Luật và sắp tới dự kiến tuyển nhóm ngành Báo chí và truyền thông...
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long hiện đã tuyển sinh tất cả các nhóm ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, luật. Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ cũng tuyển sinh các ngành Tài chính - ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Luật, Ngôn ngữ Anh.
Năm nay, khá nhiều trường cũng đồng loạt tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch - bán dẫn như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH FPT...
Phải đảm bảo chất lượng
Theo Điều 4, Thông tư 02/2022 quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ của Bộ GD-ĐT, điều kiện mở ngành đào tạo mới phải có ít nhất 1 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ ĐH của các ngành khác; có ít nhất 5 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình...
Về cơ sở vật chất, phải có đủ phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, cơ sở sản xuất thử nghiệm...
Theo một phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), trong suốt 3 thập niên qua, hệ thống ĐH Việt Nam chỉ tập trung đào tạo đơn ngành, rất ít trường phát triển theo hướng đa ngành. Có một thời gian dài tập trung mở các trường đơn ngành như kinh tế, kỹ thuật. Khi vấn đề tự chủ ĐH được nâng lên, hệ thống ĐH mới chú ý đến phát triển đa ngành, tuyển sinh và đào tạo các ngành phi truyền thống ở các trường đơn ngành. Đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh tự chủ và hội nhập với giáo dục ĐH quốc tế.
Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực và thế giới đều đã phát triển ĐH đa ngành sớm hơn Việt Nam rất lâu. Tuy nhiên, các trường cần có chiến lược, lộ trình bài bản và khoa học để phát triển từ trường đơn ngành sang trường đa ngành chứ không thể chạy theo phong trào. Nhìn vào điều kiện mở ngành và thực tế nhiều trường sau 2-3 năm mở ngành thì giảng viên cơ hữu của ngành mới chỉ còn 40%-50% giảng viên cơ hữu. Điều này cho thấy các trường có “mập mờ” trong điều kiện mở ngành... Không thể chạy theo chỉ tiêu, chạy theo số lượng mà bỏ qua các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Dưới góc độ quản lý, Th.S Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho rằng: Dù trường đơn ngành hay đa ngành thì yếu tố sống còn quyết định đến uy tín, thương hiệu của một trường ĐH vẫn là chất lượng. Các trường không thể bất chấp để chạy theo xu hướng nhằm mở nhiều ngành, tuyển thêm nhiều chỉ tiêu để tăng nguồn thu. Các trường khối kinh tế mà bỗng dưng mở ngành Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ vi mạch - bán dẫn, Kỹ thuật phần mềm; hay ngược lại các trường kỹ thuật tuyển nhóm ngành kinh tế, xã hội... thì việc có đủ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng đào tạo là khá khó khăn!
Về việc các trường đua nhau mở ngành Công nghệ vi mạch - bán dẫn, GS Koichiro Ishibashi, Giám đốc Phòng thí nghiệm Ishibashi, ĐH Điện tử - Truyền thông (Nhật Bản), từng tham gia thỉnh giảng các khóa về công nghệ vi mạch tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng: Việt Nam chưa có chương trình đào tạo chính thức về công nghệ vi mạch - bán dẫn. Hiện chỉ có một phần rất nhỏ trong chương trình đào tạo của các ngành điện, điện tử... Về phía doanh nghiệp cũng chưa có doanh nghiệp phát triển về công nghệ vi mạch đúng nghĩa. Do đó, muốn phát triển nguồn nhân lực công nghệ vi mạch cần phải có chiến lược cụ thể về nhân lực cũng như hỗ trợ tài chính, các cơ sở vật chất để thực hành.