Vẫn được xét tuyển sớm
Theo quy trình đăng ký xét tuyển (ĐKXT), tất cả phương thức xét tuyển khác với phương thức điểm thi tốt nghiệp đều là các phương thức xét tuyển sớm. Hiện nay, đã có một số trường ĐH bắt đầu nhận hồ sơ ĐKXT theo phương thức xét học bạ THPT, và có thể công bố kết quả xét tuyển sớm, trước khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thí sinh trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải ĐKXT lại trên hệ thống của Bộ GD-ĐT theo thời gian quy định, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trên thực tế, việc ĐKXT trên hệ thống được thực hiện ngay từ khi thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT (khi đang học lớp 12 và đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được cấp tài khoản để ĐKXT trên hệ thống). Riêng các thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước, muốn được xét tuyển ĐH năm 2023, dù không phải bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp, vẫn phải đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT để được cấp tài khoản ĐKXT trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Việc đăng ký dự thi và ĐKXT trên hệ thống được thực hiện hoàn toàn theo phương thức trực tuyến. Thí sinh được ĐKXT không giới hạn số lượng nguyện vọng (NV) theo tất cả các phương thức, nhưng khi xét tuyển và lọc ảo chung trên hệ thống, mỗi thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một NV duy nhất theo thứ tự ưu tiên mà thí sinh đã sắp xếp khi ĐKXT trên hệ thống.
Phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT năm 2022 đưa ra 20 phương thức xét tuyển để lọc ảo chung, nhưng trên thực tế các phương thức xét tuyển của các trường ĐH rất đa dạng. Bộ GD-ĐT khuyến cáo các trường ĐH không nên đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển phức tạp ở kỳ tuyển sinh năm 2023. Năm 2022, quy chế tuyển sinh công bố rất trễ (tháng 6), lịch tuyển sinh kéo dài khiến các trường bắt đầu năm học muộn hơn một tháng. Với việc khẳng định tiếp tục áp dụng quy chế và quy trình tuyển sinh ổn định như năm 2022, Bộ GD-ĐT sẽ công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2023 trong tháng 2, theo đó lịch tuyển sinh sẽ được thực hiện sao cho việc khai giảng năm học mới ở các trường ĐH trở lại bình thường như trước đây (vào đầu tháng 9). Như vậy, sau khi công bố kết quả thi (khoảng hơn 2 tuần sau ngày thi) sẽ bước vào giai đoạn thí sinh ĐKXT trên hệ thống và thực hiện xét tuyển lọc ảo chung các phương thức. Cũng như năm 2022, thí sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống trước khi làm thủ tục nhập học tại trường.
5 phương thức xét tuyển chủ yếu
Năm 2023, các trường ĐH có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung vào 5 phương thức. Phương thức thứ nhất: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Những đối tượng thí sinh này được quy định tại điều 8 của quy chế tuyển sinh như: học sinh đạt giải Olympic quốc tế; học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc các cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia... Ngoài ra, nhiều trường ĐH mở rộng diện ưu tiên xét tuyển của trường đến các học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, hoặc học sinh có các chứng chỉ quốc tế như SAT, A-Level, IELTS...
Phương thức thứ hai: xét tuyển theo học bạ THPT. Việc xét tuyển theo phương thức này dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, và thời gian nộp hồ sơ xét tuyển cũng khác nhau do trường quy định. Đây là phương thức xét tuyển linh động nhất, là nguồn tuyển sinh chủ yếu của nhiều trường ĐH tư thục.
Phương thức thứ ba: xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 được dự kiến tổ chức vào giữa đầu tháng 7-2023. Sau khi có kết quả thi, thí sinh sẽ ĐKXT theo phương thức điểm thi tốt nghiệp trên hệ thống tuyển sinh cùng với các NV theo các phương thức xét tuyển sớm mà thí sinh đã được xét tuyển tại trường trước đó. Điểm mới duy nhất của phương thức xét tuyển này là từ năm nay, ưu tiên khu vực chỉ được tính cho năm tốt nghiệp và 1 năm tiếp theo, những thí sinh có tổng điểm thi 3 môn xét tuyển từ 22,5 trở lên sẽ có công thức tính điểm ưu tiên sao cho không để điểm chuẩn trúng tuyển của bất kỳ ngành nào vượt quá 30 điểm. Đây vẫn là phương thức xét tuyển quan trọng nhất ở năm 2023, với dự kiến phân nửa tổng chi tiêu của các trường ĐH sẽ xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp.
Phương thức thứ tư: Xét tuyển kết hợp các phương thức. Một số trường sử dụng kết hợp các phương thức xét tuyển với thành phần điểm xét tuyển dựa trên nhiều tiêu chí, nhiều phương thức do trường quy định. Ví dụ như kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của các trường ĐH thuộc khối Công an thực chất là phương thức xét tuyển kết hợp, vì điểm của kỳ thi ĐGNL này chỉ chiếm 60%, còn điểm của kỳ thi tốt nghiệp chiếm 40% trong tổng điểm xét tuyển. Hay Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) có phương thức kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi ĐGNL và điểm học bạ THPT cùng với thành tích cá nhân và các hoạt động văn thể mỹ khác.
Phương thức thứ năm là phương thức đáng chú ý vì xét tuyển theo kết quả các kỳ thi riêng. Đây là phương thức xét tuyển được nhiều trường đăng ký sử dụng. Đến thời điểm hiện nay, đã có thông tin chính thức về 9 kỳ thi riêng (gọi chung là kỳ thi ĐGNL) của các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi. Ngoại trừ kỳ thi ĐGNL của Bộ Công an (dành cho thí sinh xét tuyển vào 8 trường thuộc khối Công an) chưa công bố lịch thi, hầu hết các kỳ thi ĐGNL đều được tổ chức trước ngày thi tốt nghiệp THPT. Các kỳ thi ĐGNL hiện nay rất khác nhau về quy mô tổ chức (số lượng địa điểm thi, số lượng thí sinh dự thi và số lượng các trường ĐH dùng chung kết quả để xét tuyển), về đề thi (thời gian làm bài, số lượng câu hỏi, thi trên giấy hay thi trên máy), về lệ phí dự thi… Học sinh chỉ nên tham gia kỳ thi nào dùng cho mục tiêu xét tuyển của mình chứ không nhất thiết phải tham gia tất cả kỳ thi ĐGNL. Hơn nữa, các kỳ thi này hướng đến ĐGNL chứ không phải kiểm tra kiến thức nên học sinh không cần phải luyện thi riêng.