Thi nhau gửi giấy báo trúng tuyển
Những ngày gần đây, rất nhiều thí sinh cảm thấy bất ngờ vì nhận được giấy báo, thư trúng tuyển của các trường ĐH gửi đến. Thậm chí có trường còn yêu cầu thí sinh đóng từ 2 đến 5 triệu đồng để giữ chỗ. Thí sinh T.T.N (lớp 12A1 Trường THPT Lê Thị Pha, Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết: “Em nhận được đến 5 giấy báo trúng tuyển của các trường ĐH tại TPHCM; trong đó có hướng dẫn cách làm thủ tục nhập học trong tháng 6. Trong khi đó, em không hề đăng ký xét tuyển vào những trường này. Ba mẹ em thấy vậy liền nói em đăng ký nhập học và nộp học phí. Em cảm thấy rất băn khoăn”.
Ngày 2-6, thí sinh T.Đ.A. (TP Dĩ An, Bình Dương) nhận được giấy báo trúng tuyển của Trường ĐH Gia Định gửi với nội dung “giấy báo trúng tuyển hệ đại học chính quy năm 2022 - đợt nhập học sớm”. Theo đó, thí sinh A. trúng tuyển ngành Quản trị kinh doanh và trường mời thí sinh đến nhập học từ ngày 7 đến 13-6 tại địa chỉ 185-187 Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận. Học phí và các chi phí nhập học tổng cộng là 13.584.000 đồng. Ngoài ra, để tạo sự nôn nóng cho thí sinh, trường còn thêm dòng chữ trên giấy báo trúng tuyển “thí sinh tiến hành nhập học đúng thời gian ghi trên giấy báo trúng tuyển, quá thời gian này, trường sẽ dành chỉ tiêu cho những thí sinh khác”.
Quy chế tuyển sinh do Bộ GD-ĐT công bố ngày 6-6 nhưng đến ngày 10-6, Trường ĐH Văn Lang đã gửi giấy báo trúng tuyển có điều kiện cho rất nhiều thí sinh. Tuy nhiên, trong thông báo trúng tuyển, trường cũng hướng dẫn thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng gửi giấy báo trúng tuyển có điều kiện bậc ĐH hệ chính quy năm 2022 cho nhiều thí sinh. Trong thông báo gửi đến thí sinh có nội dung: “Để trúng tuyển và nhập học chính thức, thí sinh cần bổ sung trực tiếp hoặc gửi chuyển phát nhanh bản sao hợp lệ giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời (hoặc Bằng tốt nghiệp THPT), trường ưu đãi học phí 5 triệu đồng, đặc biệt dành cho 2.000 tân sinh viên nhập học sớm”.
Từ tháng 5, nhiều thí sinh cũng nhận được giấy báo trúng tuyển vào địa chỉ email từ Trường ĐH Hoa Sen. Thí sinh T.Đ.A. nhận được email của trường với nội dung: “thư hướng dẫn nhập học, chúc mừng bạn đã trúng tuyển (có điều kiện) vào ngành Quản trị kinh doanh”. Thông báo cũng hướng dẫn thủ tục nhập học trong thời gian từ ngày 1-5 đến 19-6 với các mức phí như học phí học kỳ 1 là 42,5 triệu đồng, bảo hiểm y tế 705.000 đồng, bảo hiểm tai nạn 60.000 đồng, phí làm thẻ sinh viên và khám sức khỏe 120.000 đồng, đồng phục thể dục 350.000 đồng, khấu trừ ưu đãi học phí 10 triệu đồng…
Phải tuân thủ quy định
Theo Quy chế tuyển sinh, tất cả các phương thức xét tuyển (điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, điểm học bạ THPT, điểm các kỳ thi riêng do các trường tổ chức) đều được xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT trong thời gian từ ngày 1 đến 15-9. Từ ngày 16 đến 17-9, các trường mới công bố điểm chuẩn, thí sinh trúng tuyển. Sau đó, từ ngày 17 đến 30-9, thí sinh nhập học. Riêng với thí sinh diện tuyển thẳng tiến hành nộp hồ sơ từ ngày 15 đến 21-7. Từ ngày 22-7 đến 20-8, thí sinh xác nhận nhập học.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết, việc gửi giấy báo trúng tuyển sớm, yêu cầu thí sinh nhập học sớm mà nhiều trường đã làm từ tháng 3 đến nay là phạm quy. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong công tác tuyển sinh khi đã có quy định… luật chơi. Nếu gọi thí sinh dự kiến trúng tuyển cũng được, nhưng đừng bắt buộc thí sinh phải “đóng tiền giữ chỗ”. Thí sinh bây giờ còn phải cân nhắc giữa các trường để có thể nhập học ở các trường ĐH phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế, thu nhập của người dân đang bị ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19. Quy chế của Bộ GD-ĐT đã ban hành, dù muốn dù không các trường phải tuân thủ.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cho rằng, rất thấu hiểu sự lo lắng của các trường trong việc tuyển sinh năm nay nhưng mọi quyết định, chính sách tuyển sinh cần bảo đảm tính pháp lý và giúp thí sinh yên tâm thật sự. Nếu thời điểm này, thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển, mặc dù có điều kiện nhưng e rằng từ nay đến sau khi thi, thí sinh vẫn còn được điều chỉnh nguyện vọng, lúc đó phải xác định điểm chuẩn có thể khác với điểm chuẩn tại thời điểm này. Ví dụ ngành nào được các em quan tâm nhiều thì điểm chuẩn có thể tăng lên, như vậy làm sao thí sinh trúng tuyển được? Trường hợp yêu cầu thí sinh đóng trước tiền “giữ chân” thực sự rất không nên!
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc các trường gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh trước hay sau khi có quy chế tuyển sinh đều là phạm quy. Bộ sẽ có cảnh báo và chấn chỉnh ngay để các trường thực hiện đúng quy chế tuyển sinh. Ngày 17-6, Bộ GD-ĐT cũng công bố kế hoạch (lịch) công tác tuyển sinh năm 2022 để các trường ĐH trên cả nước thống nhất về thời gian cũng như các bước thực hiện xét tuyển chung. Các trường cần tuân thủ đúng những quy định này để công tác tuyển sinh được thông suốt. |