Nhiều điều chỉnh có lợi cho thí sinh
Bộ GD-ĐT cho biết, quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2021 vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như các năm trước. Thí sinh có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021 để xét tuyển; sử dụng kết quả thi, tuyển sinh riêng của một số trường, nhóm và khối trường; xét học bạ THPT và sử dụng một số kết quả chứng chỉ quốc tế (SAT/ICT); kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế để xét tuyển.
Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế trong bối cảnh dịch Covid-19, quy chế tuyển sinh năm 2021 sẽ có một số điều chỉnh về kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, đồng thời hạn chế tối thiểu những sai sót không đáng có.
Điểm mới nhất là sẽ có điều chỉnh trong việc đăng ký xét tuyển. Năm 2021, thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH bằng hình thức trực tuyến, không sử dụng phiếu đăng ký như những năm trước. Với những địa bàn khó khăn về thiết bị, đường truyền, các trường THPT, ĐH sẽ tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh về kỹ thuật đăng ký.
Nếu như năm 2020 trở về trước, sau khi có kết quả thi THPT thí sinh chỉ có một lần điều chỉnh nguyện vọng, sau khi hết thời hạn điều chỉnh, nếu muốn thay đổi, bổ sung, thí sinh cũng không thể thực hiện; thì năm nay, Bộ GD-ĐT dự kiến cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần.
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, mục tiêu của sự thay đổi này là tạo điều kiện cho thí sinh có thêm cơ hội điều chỉnh quyết định chọn ngành, chọn trường. Cùng với đó, chính sách tuyển sinh của Việt Nam cũng sẽ bắt nhịp cùng quy trình tuyển sinh của các nước, tạo môi trường thuận lợi, hạn chế áp lực cho thí sinh.
Theo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), việc thay đổi này là nhờ có sự đầu tư ứng dụng CNTT trong tuyển sinh và nằm trong lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh ĐH được thực hiện từ nhiều năm nay. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuyển sinh sẽ giúp các trường xử lý tốt vấn đề lọc ảo.
Tự chủ trong tuyển sinh
Sau 5 năm ngừng tổ chức thi đánh giá năng lực (ĐGNL), năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện lại kỳ thi này. Điểm đáng nói là ĐH này dự kiến tổ chức đến 4 - 5 đợt thi, để thí sinh lựa chọn thời gian thi thích hợp. Các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường khác có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Kỳ thi ĐGNL năm 2021 cũng như những kỳ thi của các năm 2015 và 2017, thí sinh hoàn thành bài thi ĐGNL trong một buổi thi của mỗi đợt thi. Kết quả thi được thông báo ngay sau khi thí sinh hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi cho thí sinh sau ba tuần, kể từ ngày dự thi.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, năm 2021, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tổ chức 2 đợt thi ĐGNL trước và sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu như những năm trước, kỳ thi chỉ tổ chức ở 5 địa phương, thì năm nay kỳ thi được tổ chức thêm ở Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột.
Theo đó, thí sinh sẽ dự thi đợt 1 vào ngày 28-3 tại TPHCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột. Kết quả thi đợt 1 dự kiến công bố đúng 1 tuần sau khi thi, tức ngày 5-4.
Ở đợt 2, thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 4-5 đến ngày 4-6 và tổ chức thi vào ngày 4-7 tại 4 địa phương: TPHCM, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng. Kết quả của đợt 2 sẽ công bố vào ngày 12-7.
Đặc biệt, chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi ĐGNL năm 2021 của các trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM đều tăng lên. Trong đó, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn tối đa 50%, Trường ĐH Bách khoa tối đa 70% chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này…
Tính tự chủ còn được thể hiện bằng việc một số trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2021 cũng có thêm phương thức xét tuyển. Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) sẽ tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực vào 2 ngày 29 và 30-5.
TS Huỳnh Khả Tú, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết, nội dung kiến thức gói gọn trong chương trình THPT và chú trọng kiến thức năm lớp 12. Thí sinh không cần giỏi toàn diện, chỉ cần tập trung vào thế mạnh cá nhân thông qua bài thi theo môn tự chọn các môn Vật lý, Sinh học, Hóa học hoặc Tiếng Anh; cùng với 2 môn bắt buộc là Toán và Tư duy logic. Thí sinh được đánh giá dựa trên năng lực vận dụng kiến thức, năng lực tính toán giải quyết vấn đề, tư duy logic, năng lực suy luận và sáng tạo, đánh giá kiến thức tự nhiên, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Trường sẽ dành 20%-50% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức tuyển sinh bằng xét kết quả từ kỳ thi kiểm tra năng lực.
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) năm 2021 bổ sung thêm phương thức xét tuyển mới, đó là xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn (5.000 chỉ tiêu).
Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội có thêm phương thức tuyển mới, xét tuyển thẳng đối với thí sinh người nước ngoài/người Việt Nam tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, có chứng nhận văn bằng của cơ quan có thẩm quyền được xét tuyển thẳng. Đồng thời, trường xét tuyển theo đơn đặt hàng dựa trên văn bản giao nhiệm vụ, đặt hàng, nội dung thỏa thuận của bộ ngành và UBND các tỉnh. Ngoài ra, trường còn thêm phương thức mới nữa, là xét tuyển dựa vào kết quả bài thi ĐGNL do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Nhiều trường tư như ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Nguyễn Tất Thành… cũng cho biết, năm 2021 sẽ tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển.
Theo Bộ GD-ĐT, bộ luôn khuyến khích các trường tự chủ tuyển sinh nhưng phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch và tuân thủ các quy định của quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên, tình hình diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, do vậy các phương án dự phòng sẽ được căn cứ vào tình hình diễn biến cụ thể của dịch ở từng thời điểm. Trên cơ sở kinh nghiệm ứng phó từ năm 2020, với nguyên tắc đặt quyền lợi của thí sinh, của xã hội và chất lượng lên cao nhất, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng các phương án dự phòng phù hợp nhất. |