Điểm chuẩn nhiều trường sẽ cao hơn năm ngoái
TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết đến nay chưa có kết quả chấm thi và thống kê phổ điểm đầy đủ tất cả các môn. Nhưng theo đánh giá về đề thi từ giáo viên phổ thông, TS Phạm Tấn Hạ nhận định kết quả điểm thi năm nay sẽ nhỉnh hơn so với năm 2018. Cùng với đó, kết quả chấm thi môn Ngữ văn của cụm thi TPHCM cho thấy có 61.325 bài thi đạt điểm từ trung bình trở lên (chiếm tỷ lệ 89,4%), trong đó có 1.366 bài đạt từ điểm 8 trở lên (tỷ lệ 1,9%), có 6 bài thi đạt điểm 9. Do đó, nhiều khả năng điểm chuẩn của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và một số trường khác sẽ ở mức bằng hoặc nhỉnh hơn từ 0,5 đến 1 điểm so với năm 2018. Ngoài ra, những ngành thu hút thí sinh như Báo chí, Quan hệ quốc tế, Tâm lý, Quản trị nhà hàng khách sạn, Du lịch, điểm chuẩn cũng sẽ biến động.
Một điểm dễ nhận thấy là năm nay nhóm ngành sức khỏe được Bộ GD-ĐT ấn định mức điểm sàn chứ không thả nổi như những năm trước. Do đó, điểm chuẩn của nhóm ngành này sẽ tăng, đặc biệt là những ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Ngoài ra, nhóm ngành sức khỏe nếu sử dụng phương án xét tuyển học bạ, bắt buộc thí sinh phải có học lực giỏi. Điển hình là mới đây, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành công bố điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển học bạ với ngành Y khoa có điểm chuẩn là 25,5 điểm, ngành Dược 24 điểm. Do đó, dự kiến các ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt, Dược học ở các trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược Cần Thơ… điểm chuẩn sẽ cao hơn ít nhất 1 điểm so với năm 2018.
Đặc biệt, điểm chuẩn vào các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM như Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Kinh tế Luật, Công nghệ thông tin, Quốc tế… chắc chắn sẽ tăng vì những lý do: năm nay ĐH Quốc gia TPHCM tăng tỷ lệ xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực lên 40% tổng chỉ tiêu (năm 2018 chỉ 20%); đề thi năm nay dễ hơn so với năm 2018; chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia năm 2019 giảm còn khoảng 50% (năm 2018 chiếm 60% - 75% tổng chỉ tiêu).
Trường tốp giữa cũng tăng theo
Các năm trước, điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia chiếm 50% và điểm trung bình cả năm lớp 12 chiếm 50% điểm xét tốt nghiệp. Trong khi đó, năm 2019, điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia chiếm tới 70% và điểm trung bình cả năm lớp 12 chỉ chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp. Đồng thời, với đề thi được đánh giá “dễ thở” hơn năm 2018, điểm thi THPT quốc gia 2019 sẽ cao hơn năm 2018 và sẽ tập trung nhiều ở mức 5 - 7 điểm. Vì vậy, với những trường tốp giữa, nếu năm 2018 mức điểm chuẩn tập trung nhiều ở mức 15 điểm thì năm nay sẽ tăng lên khoảng 16 - 19 điểm.
Điển hình như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, năm nay có thêm phương án xét tuyển bằng học bạ THPT chiếm 10% - 30% tổng chỉ tiêu (7.000 chỉ tiêu). Đại diện Phòng Đào tạo nhà trường phân tích: Tổng số nguyện vọng (NV) và thí sinh đăng ký vào trường tương đương như năm 2018, nhưng có thêm phương thức xét tuyển học bạ nên chắc chắn điểm chuẩn của phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia sẽ tăng. Cộng thêm với cách ra đề năm nay thì có khả năng thí sinh đạt 18 - 20 điểm (3 môn thi) sẽ chiếm rất nhiều. Do đó, mức điểm chuẩn năm nay đối với thí sinh xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia 2019 sẽ khó có thể ở mức 15 điểm. Nhiều ngành điểm chuẩn sẽ tăng khoảng 2 - 3 điểm. Trong đó, những ngành dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng mạnh nhất gồm Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ thông tin, Du lịch.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho rằng nhiều khả năng năm nay điểm chuẩn của trường cao hơn năm 2018 ở một số ngành như Công nghệ thực phẩm, Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm, Quản trị du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống...
Theo nhiều giáo viên THPT, với cách ra đề cho mục tiêu tốt nghiệp (những năm gần đây tỷ lệ tốt nghiệp luôn đạt 96% - 98%), nhìn chung mức điểm phần lớn sẽ tập trung nhiều ở mức 5 - 7 điểm. Điểm 9 và 10 sẽ nhiều hơn năm 2018 nhưng sẽ khó lặp lại cảnh “cơn lốc điểm 10” như năm 2017. Do đó, điểm chuẩn nhiều ngành ở các trường sẽ ở mức 17 - 19 điểm.
Nhiều ngành có tỷ lệ chọi rất cao Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, khối ngành III (kinh doanh, quản lý và pháp luật) là nhóm ngành có số NV đăng ký cao nhất, 822.956 NV nhưng chỉ tiêu là 126.473 (số NV đăng ký nhiều hơn 6,9 lần so với chỉ tiêu). Trong khi đó, khối ngành có tỷ lệ “chọi” cao nhất (1/7) là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng), chỉ tiêu là 104.769 nhưng có đến 739.587 NV. Đặc biệt, nhóm ngành an ninh, quốc phòng có chỉ tiêu ít nhưng số NV đăng ký quá nhiều, khiến tỷ lệ chọi rất cao. Khối VI (ngành sức khỏe) có tổng số NV đăng ký là 199.573 nhưng chỉ tiêu chỉ 34.352 (tỷ lệ chọi trung bình là 1/5,8). |