“Tổ hợp lạ” không thể là cứu cánh
Trước khi bắt đầu rộ thông tin mùa tuyển sinh 2018, một số trường ĐH cho phép thí sinh dùng tổ hợp khối C để đăng ký vào ngành kỹ thuật, khối A vào ngành Văn học. Đơn cử ĐH Công nghệ Đồng Nai, nhiều ngành kỹ thuật sử dụng tổ hợp khối C (Văn - Sử - Địa), C19 (Văn - Sử - Giáo dục công dân), C20 (Văn - Địa lý - Giáo dục công dân) để xét tuyển, bên cạnh khối A truyền thống.
Thậm chí, ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, ĐH Đồng Nai sử dụng tổ hợp xét tuyển với phần lớn môn xã hội là Văn - Sinh - Sử; Công nghệ thực phẩm và Công nghệ kỹ thuật môi trường là Văn - Hóa - Sử. Hay trong phương án tuyển sinh của ĐH Bình Dương, trường xét tuyển sinh vào ngành Văn học bằng cả các tổ hợp Toán - Vật lý - Hóa học và Toán - Vật lý - Tiếng Anh, cùng với các tổ hợp khối C00 (Văn - Sử - Địa) và D01 (Văn - Ngoại ngữ - Tiếng Anh). Trường cũng sẽ xét tuyển bằng khối C00 cho các ngành có tính chất đòi hỏi nhiều tính toán như Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh…
Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá, đây là cách một số trường quyết tâm giành giật “thị phần tuyển sinh”, bất chấp mọi cách để có thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, đó là tuyển sinh kiểu “tàu vét”, hại mình, hại người. Tuy nhiên, sau khi có ý kiến nhắc nhở của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này đã không còn trường nào sử dụng tổ hợp lạ để xét tuyển trong mùa tuyển sinh 2018.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Kim Phụng, đối với các trường tuyển sinh những tổ hợp chưa gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tham vấn chuyên gia, trao đổi và yêu cầu nhà trường giải trình. Nếu không có căn cứ thuyết phục, có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh của trường; kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo. Nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung.
Số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, mùa tuyển sinh năm nay, 5 tổ hợp truyền thống vẫn chiếm trên dưới 90% số thí sinh đăng ký. Điều đó cho thấy những tổ hợp lạ không thể là cứu cánh cho các trường yếu kém trong tuyển sinh.
Lo ngại cuộc đua điểm sàn thấp
Một điều nữa mà dư luận lo lắng là bắt đầu từ mùa tuyển sinh 2018, trừ ngành sư phạm vẫn do Bộ GD-ĐT nắm quyền định điểm sàn, thì tất cả các ngành còn lại sẽ do trường quyết định điểm sàn vào trường. Thực tế, thời gian qua, một số trường khi công bố đề án tuyển sinh là đưa ra mức điểm sàn khá thấp, khiến nhiều người lo ngại sẽ có một “chạy đua” điểm sàn thấp để “vợt” thí sinh.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ GD-ĐT phải “xử lý nghiêm và cho dừng tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo cố tình đưa ra những tổ hợp xét tuyển không khoa học, không phù hợp, thậm chí chỉ nhằm mục đích tăng số lượng tuyển sinh, ảnh hưởng đến chất lượng, yêu cầu đào tạo”.
Theo bà Kim Phụng, xét về nguyên tắc, tự chủ xác định điểm sàn là hướng đi tất yếu để các trường thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về những quyết định trong tuyển sinh của mình. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ, trong đó có quy định công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, tỷ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong 2 năm gần nhất, tỷ suất đầu tư để đảm bảo số sinh viên trong một năm học. Trên cơ sở đó, thí sinh đã có cơ sở để lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với điều kiện và năng lực của mình. Nhìn chung, đa số các trường đã xây dựng chính sách chất lượng của mình. Trong đó có chất lượng đầu vào, chú trọng chất lượng trong quá trình đào tạo và đặc biệt là đảm bảo chất lượng đầu ra.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường chủ trương sẽ lấy điểm đầu vào thấp, “vơ bèo, vạt tép”, bất chấp năng lực, nền tảng của thí sinh. Dù lường trước tình trạng này, chuẩn bị bước vào mùa thi tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường cần cân nhắc khi thông báo điểm sàn, tham khảo mức điểm 2 năm tuyển sinh trước liền kề để đảm bảo chủ trương tự chủ phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo. Nhưng thực tế, vừa qua đã có một vài trường dự kiến thông báo xét tuyển với ngưỡng đầu vào thấp. “Mặc dù chưa phải là quyết định cuối cùng của nhà trường do chưa có kết quả thi nhưng hiện tượng đó cũng gây tâm lý lo ngại về chất lượng đào tạo. Một số trường định điểm sàn trước khi cả kỳ thi diễn ra là không đúng”, bà Kim Phụng nhận xét.
Bộ GD-ĐT đã kịp thời trao đổi, khuyến cáo các cơ sở ĐH nói trên điều chỉnh lại nội dung này trong đề án tuyển sinh. Vì thế, về cơ bản các trường đó đã rút, không để điểm sàn dự kiến trong đề án tuyển sinh. “Bộ GD-ĐT sẽ theo sát diễn biến, giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh của nhóm trường này, chấn chỉnh kịp thời và tiến hành thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với trường xác định điểm sàn thấp”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH khẳng định.