Đành rằng không có một phương án tuyển sinh nào hoàn toàn tối ưu, nhưng có thể thấy Bộ GD-ĐT phải thật sự cầu thị, tiếp thu những “điểm trừ” để có giải pháp khắc phục, cho mùa tuyển sinh năm 2018 không đi lại vết xe đổ như những năm vừa qua.
Chủ quan và cả tin
Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tuyển sinh ở các trường ĐH-CĐ khi đánh giá về kết quả tuyển sinh đợt 1. Những điểm đáng chú ý của kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 là thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng - có em đăng ký 48 nguyện vọng, được đăng ký xét tuyển ngay khi làm hồ sơ thi THPT quốc gia. Ở 2 năm trước, sau khi thi, biết kết quả và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn), thí sinh mới đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Điểm mới nữa là năm nay Bộ GD-ĐT sử dụng phần mềm xét tuyển chung, huy động 2 nhóm xét tuyển phía Bắc và phía Nam tham gia cùng bộ để lọc “ảo”.
Sự chủ quan đã bộc lộ ngay từ khi tập huấn phần mềm xét tuyển và phần mềm lọc ảo. Sau khi các trường có quá nhiều thắc mắc và Viettel trả lời “phần mềm chưa làm được, các trường phải làm bằng tay” thì Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Kim Phụng phải trấn an, kêu gọi các trường tích cực tham gia cùng bộ, tuân thủ đúng quy trình lọc ảo, báo cáo và xác định chính xác số liệu, thì phần mềm mới cho kết quả chính xác.
Tiếp đó, sau khi kết thúc lọc ảo và xác định thí sinh trúng tuyển (mới chỉ là lý thuyết chứ chưa xác nhận nhập học), Bộ GD-ĐT tự tin đưa ra đánh giá: Có 234/322 cơ sở tuyển đủ chỉ tiêu từ 70% trở lên. Các phần mềm chuyên dụng đã phát huy hiệu quả cao, giúp cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp các trường tăng cường kiểm soát thí sinh ảo. Ngay trong đợt 1 đã có tới 170 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh). Điều này cho thấy công tác tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 đã đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả… giảm được áp lực cho đợt tuyển sinh bổ sung.
Đến ngày 8-8, Bộ GD-ĐT mới vỡ lẽ khi thống kê từ các trường cho thấy chỉ có 242.000/352.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học, đạt tỷ lệ gần 70%. Khoảng 110.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 không nhập học, chiếm khoảng 30%. Nhiều trường đã “chết đứng” khi tin vào phần mềm lọc ảo để xác định có ngành điểm chuẩn là 21, nhưng cuối cùng không có thí sinh nào nhập học.
Bộ làm thay việc của trường?
Như vậy, từ khi Bộ GD-ĐT đổi mới thi cử (từ 2015 đến nay), chuyển từ thi “3 chung” (chung đợt - chung đề - chung kết quả) bằng hình thức 2 chung với 2 mục tiêu (xét tốt nghiệp TPHP và dùng kết quả xét tuyển ĐH-CĐ) thì “điểm cộng” lớn nhất là: kỳ thi nhẹ nhàng, đỡ tốn kém cho xã hội hàng trăm tỷ đồng, đỡ áp lực thi cử cho học sinh và toàn xã hội. Tuy nhiên, ở khâu xét tuyển ĐH-CĐSP, trong 3 năm qua luôn phát sinh nhiều vấn đề mà các trường không thể khắc phục được, như rối loạn xét tuyển, các trường hạ điểm chuẩn để xét tuyển, thí sinh ảo quá lớn.
Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH quy định rất rõ việc tuyển sinh là việc của các trường, các trường được tự chủ trong tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Nhưng 3 năm gần đây, Bộ GD-ĐT luôn can thiệp quá sâu vào vấn đề kỹ thuật tuyển sinh. Đặc biệt, năm nay, Bộ GD-ĐT gần như làm thay việc xét tuyển ĐH-CĐ cho các trường bằng phần mềm xét tuyển chung. Và khi nước gần đến chân thì Bộ GD-ĐT lại vận động, yêu cầu các trường tham gia nhóm lọc ảo để “cứu” phần mềm lọc ảo, vì bộ không thể làm được.
Nếu Bộ GD-ĐT thử làm phép so sánh, trước đây khi các trường tuyển sinh “3 chung” thì việc tuyển sinh của các trường ở nguyện vọng 1, thí sinh trúng tuyển nhập học từ các trường tốp giữa trở lên luôn ở mức trên 80%. Chỉ những trường tốp dưới mới phải xét các nguyện vọng tiếp theo. Trong khi đó, năm 2017, Bộ GD-ĐT sử dụng phần mềm xét tuyển chung, huy động các trường tham gia lọc ảo, nhưng kết quả chỉ có 70% thí sinh trúng tuyển nhập học. Đây là minh chứng cho thấy, việc xét tuyển chỉ nên để các trường làm và Bộ GD-ĐT đừng can thiệp quá nhiều vào vấn đề kỹ thuật.
Một điều nữa mà Bộ GD-ĐT cũng phải nhìn nhận, phần mềm xét tuyển chung và lọc ảo không thể nào tính toán và thỏa mãn đủ tất cả các điều kiện xét tuyển của các trường. Hơn nữa, hiện nay nhiều trường có rất nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời hệ CĐ đã bị tách khỏi giáo dục ĐH, nên phần mềm lọc ảo đã bị sai số rất lớn khi thí sinh trúng tuyển và nhập học ở các trường CĐ nghề thuộc Bộ LĐTB-XH. Mặt khác, có những thí sinh trúng tuyển ĐH nhưng trước đó đã đăng ký đi du học, đi làm…
Nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GD-ĐT phải tính toán lại một cách hợp lý. Bộ chỉ nên dừng lại ở quản lý dữ liệu thí sinh, chủ trì luật chơi, thưởng - phạt công bằng, còn việc xét tuyển và kỹ thuật xét tuyển ĐH-CĐ phải để các trường tự làm như trước đây thì các trường sẽ chủ động, và khi đó Bộ GD-ĐT cũng không bị mang tiếng như hiện nay.n