Theo quy định, các trường đại học (ĐH) không được tuyển sinh, đào tạo hệ cao đẳng (CĐ), nhưng hiện rất nhiều trường vẫn bất chấp, tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng “chui” mà chưa hề có giấy phép của Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TBXH).
Vô tư tuyển sinh “lụi”
Trong các năm 2017, 2018, Trường ĐH Công nghệ TPHCM liên tiếp tuyển sinh hệ CĐ với hàng ngàn chỉ tiêu mà không hề có giấy phép. Tuy nhiên, đến năm 2019, trước những thông tin nghi vấn sai phạm, trường quyết định dừng tuyển sinh. Lý giải về việc tuyển sinh và đào tạo không phép hệ CĐ ở các năm trước, TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, sau khi tiến hành bàn giao giữa 2 bộ, trường có báo cáo về đào tạo hệ CĐ nhưng không thấy Tổng cục GDNN trả lời và trường “lọt” khỏi danh sách được cấp phép. Những sinh viên khóa 2017-2018 mà trường đã tuyển sinh, đào tạo sẽ báo cáo Tổng cục GDNN để các em được tốt nghiệp... Trong khi đó, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM vẫn tuyển sinh 500 chỉ tiêu hệ CĐ cho năm học 2019, mặc dù không có giấy phép của Tổng cục GDNN. Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, năm 2017, Trường CĐ Tài chính Hải quan (quận 9) sáp nhập về trường. Do đó, dù chưa có giấy phép để trường tuyển hệ CĐ từ năm 2018 đến 2019 nhưng vẫn phải tuyển sinh để có lộ trình chuẩn hóa đội ngũ và giải quyết nhân sự. “Trường cam kết đến năm 2020 sẽ dừng tuyển sinh hệ CĐ”, Th.S Hứa Minh Tuấn nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu, danh sách các trường đại học tuyển sinh và đào tạo “chui’’ hệ CĐ nhiều gấp đôi so với 45 trường đại học, học viện được Tổng cục GDNN cấp phép. Trong đó, nhiều nhất là các trường ĐH thuộc các tỉnh, thành được nâng cấp lên từ trường CĐ sư phạm.
Không thể để kéo dài
Theo TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, việc các trường ĐH bất chấp để tuyển sinh hệ CĐ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho hệ thống và khó khăn để cấp bộ ngành triển khai nhiều chiến lược vĩ mô. Th.S Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TPHCM, cho rằng các cơ quan quản lý không thể để tồn tại các trường ĐH tự ý xác định chỉ tiêu, tuyển sinh, đào tạo CĐ mà không hề có bất cứ giấy phép nào, rồi tự in phôi bằng cấp phát vô tội vạ. Nếu xảy ra sự cố gì (không học vẫn có bằng, học giả bằng thật...) thì hậu quả ai chịu? Là đơn vị tuyển sinh chưa được cấp phép, TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, cho biết từ khi có khuyến cáo của Bộ GD-ĐT, trường đã giảm dần tuyển sinh theo hàng năm. Tuy nhiên, sau khi công bố danh sách chỉ 45 trường ĐH, học viện được cấp phép tuyển sinh hệ CĐ thì trường quyết định không tuyển sinh trong năm nay. Việc bị mang tiếng tuyển sinh không phép cũng ảnh hưởng đến uy tín trường và cả tâm lý người học.
Theo đại diện Vụ Pháp chế của Bộ LĐ-TBXH, trong năm 2020 sẽ yêu cầu Tổng cục GDNN quyết liệt dừng tuyển sinh CĐ ở các trường ĐH. Còn đối với những trường ĐH, học viện tuyển sinh CĐ mà không được Tổng cục GDNN cấp phép sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định hiện hành. Tại Khoản 2, Điều 1 Quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ về Điều lệ Trường ĐH (năm 2014), cũng như Luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, quy định các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH bao gồm trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Trong khi đó, Luật GDNN lại không cấm các trường ĐH tham gia đào tạo trong lĩnh vực GDNN nhưng muốn đào tạo phải có giấy phép chứ không thể tuyển sinh bất chấp quy định như hiện nay.
Bất chấp vì nồi cơm |