“Khai tử” hệ trung cấp, sáp nhập CĐ
Theo TS Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, năm 2020, Quy chế tuyển sinh về cơ bản sẽ giữ ổn định như những năm vừa qua. Tuy nhiên, trong đó có những điểm mới đáng chú ý, nhất là đối với ngành sư phạm. Năm 2020, Bộ GD-ĐT quyết định sẽ không tuyển sinh hệ trung cấp sư phạm. Quyết định này phù hợp với Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020) khi quy định đối với giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên. Như vậy, hệ trung cấp sư phạm chính thức “khai tử” từ năm 2020.
Đối với hệ CĐ, Bộ GD-ĐT chỉ còn cho tuyển sinh ngành sư phạm mầm non. Kể từ ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp sẽ được nâng lên so với quy định tại Luật Giáo dục 2005. Cụ thể, đối với giáo viên mầm non, phải có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên; đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT, phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (quy định hiện hành yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên tiểu học; bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp CĐ và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS). Trước thực tế này, nhiều trường sư phạm ở các địa phương đã lên phương án sáp nhập với các trường CĐ khác.
Tính đến nay, cả nước có 29 trường CĐ sư phạm trực thuộc UBND tỉnh thành quản lý. Trong số này, hiện có 13 trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, đề án sáp nhập; 16 trường chưa có kế hoạch sáp nhập. Các trường đã lên kế hoạch sáp nhập như: Trường CĐ Sư phạm Thái Nguyên sáp nhập với Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên; Trường CĐ Sư phạm Điện Biên thành lập Trường ĐH Điện Biên trên cơ sở sáp nhập với Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Điện Biên; Trường CĐ Sư phạm Gia Lai cũng có dự kiến chuyển thành cơ sở của Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận sáp nhập với Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TPHCM...
Nhiều điều chỉnh xét tuyển
Ngoài ngành sư phạm có nhiều biến động, những ngành còn lại cũng sẽ có một số điều chỉnh theo Quy chế tuyển sinh mới, đặc biệt có sự thay đổi về các tổ hợp xét tuyển. Những năm trước đây, quy chế bắt buộc tổ hợp môn xét tuyển có một môn Ngữ văn hoặc Toán, thì năm nay có thể mở ra là một trong 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (tiếng Anh). Điều này sẽ tạo cơ hội cho thí sinh có điểm ngoại ngữ tốt mà không ảnh hưởng thí sinh khác. Về điểm sàn, năm 2020, Bộ GD-ĐT sẽ xác định điểm sàn cho 2 nhóm ngành sức khỏe (12 ngành như năm 2019) và nhóm ngành sư phạm. Tuy nhiên, bộ sẽ có điều chỉnh trong xác định điểm sàn học bạ với nhóm ngành sức khỏe và ngành đào tạo giáo viên. Theo đó, điểm sàn học bạ năm 2019 đã được quy định rõ nhưng năm nay dự kiến bổ sung thêm điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT khá hoặc giỏi. Khi đó, nếu học sinh có lực học không giỏi nhưng đến khi thi có kết quả điểm thi giỏi thì vẫn có cơ hội xét vào các ngành này.
Theo Bộ GD-ĐT, trong năm 2020, tất cả các trường phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức, loại hình đào tạo trên website của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước ngày 10-3. Các trường phải chịu trách nhiệm giải trình về nội dung của đề án. Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh. |
Với các trường tổ chức kỳ thi riêng, sử dụng kết quả kỳ thi riêng của đơn vị khác (như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM hiện có khoảng 50 trường sử dụng), dự kiến sẽ có quy định rõ ràng, minh bạch hơn, yêu cầu một số điều kiện để đảm bảo chất lượng. Ví dụ, trường tổ chức kỳ thi riêng phải có đơn vị chuyên trách tổ chức, có quy định quy chế, thông báo công khai các quy định này, người phụ trách phải được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức thi tuyển sinh, công khai quy định đề thi... Bên cạnh đó, các trường tự chủ trong việc xác định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT khuyến cáo, các trường cần đề cao trách nhiệm xã hội và khẳng định uy tín của trường đối với thí sinh và xã hội thông qua mức yêu cầu chất lượng đầu vào do trường xác định; tránh tình trạng vì quy mô, nguồn tuyển mà hạ thấp chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín của trường, đến toàn hệ thống và chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, quy chế tuyển sinh năm nay là quy chế tuyển sinh hợp nhất các loại hình đào tạo, gồm đào tạo chính quy, đào tạo vừa làm vừa học, bằng thứ 2, chương trình tiên tiến, chất lượng cao, đào tạo theo đặt hàng, liên thông... Do vậy, các trường phải rà soát kỹ khâu xác định chỉ tiêu cho tất cả các loại hình đào tạo và công khai để thí sinh nắm rõ.