Bộ GD-ĐT vừa hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, tuyển sinh trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018.
2 cách điều chỉnh nguyện vọng
Theo đó, Bộ hướng dẫn các Sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị thu nhận phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp và phiếu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT vào đại học, cao đẳng, trung cấp; hướng dẫn thí sinh có nhu cầu thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh ĐKXT 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng 1 trong 2 phương thức: trực tuyến hoặc bằng phiếu ĐKXT.
Nếu điều chỉnh ĐKXT bằng phương thức trực tuyến, thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. Phương thức này chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu ĐKDT.
Nếu điều chỉnh bằng phiếu ĐKXT, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu ĐKDT và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định. Thí sinh phải điền đầy đủ thông tin vào phiếu ĐKXT và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ để cán bộ máy tính cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Lưu ý, thí sinh ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại. Điểm thu nhận hồ sơ phải yêu cầu thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trong thời gian quy định và đề nghị điều chỉnh sai sót.
Công khai mức điểm nhận ĐKXT đối với các tổ hợp xét tuyển khác nhau
Về phía các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT hướng dẫn trong đợt 1, các trường có thủ tục sơ tuyển, các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải hoàn thành việc cập nhật kết quả vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước ngày 14-7. Trong các đợt xét tuyển bổ sung (nếu có) phải hoàn thành việc cập nhật kết quả vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi xét tuyển.
Các thông tin cập nhật gồm: Danh sách các thí sinh đã đạt yêu cầu sơ tuyển, danh sách các thí sinh đã đạt yêu cầu đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc đạt yêu cầu môn năng khiếu.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các trường công khai mức điểm nhận ĐKXT đối với các tổ hợp xét tuyển khác nhau sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và các điều kiện khác không trái với quy chế tuyển sinh; mức điểm tối thiểu của từng bài thi/môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển do các trường quy định nhưng không trái với quy chế thi THPT quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp THPT và nêu rõ trong đề án tuyển sinh.
Các trường tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên phải công khai mức điểm nhận ĐKXT đối với các tổ hợp xét tuyển khác nhau sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và phù hợp với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định và các điều kiện khác không trái với quy chế tuyển sinh.
Trong thời gian thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, các trường không cập nhật, không công bố thông tin thí sinh ĐKXT vào trường.
Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển
Về xác định mức điểm ưu tiên, mức điểm ưu tiên được tính theo thang điểm 10 trên tổng điểm tối đa của 3 bài thi/môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 30. Nếu trường xét tuyển với thang điểm khác với thang điểm này (ví dụ trường nhân hệ số môn chính trong tổ hợp xét tuyển) thì phải quy đổi mức điểm ưu tiên tương ứng với thang điểm mới và công bố trong Đề án tuyển sinh trước khi thí sinh đăng ký dự thi.
Về xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, Bộ GD-ĐT nêu rõ các ngành xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển. Đối với thí sinh đoạt giải Kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia, danh mục các ngành đúng hoặc ngành gần với môn thi HSG quốc gia được quy định. Các trường có thể bổ sung thêm các ngành đúng và ngành gần đối với từng môn thi HSG quốc gia phù hợp với yêu cầu đầu vào các ngành đào tạo của trường, nhưng phải công bố trong Đề án tuyển sinh.
Nếu không tiếp tục xét tuyển thẳng vào một số ngành đúng hoặc ngành gần với môn thi HSG quốc gia, các trường phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường và phương tiện thông tin đại chúng khác ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.
Đối với thí sinh đoạt giải Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, căn cứ vào kết quả dự án, đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật của thí sinh đoạt giải và danh mục các ngành đúng, ngành gần quy định; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp xét tuyển thẳng vào ngành học phù hợp với kết quả dự án hoặc đề tài mà thí sinh đoạt giải.
Đối với thí sinh đạt giải kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, căn cứ Đề án tuyển sinh đã công bố về chỉ tiêu, tiêu chí, phạm vi ngành nghề, chương trình định hướng đào tạo các trường xét tuyển đối với thí sinh đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của pháp luật.
Bộ GD-ĐT nêu rõ, các trường công bố công khai chỉ tiêu, tiêu chí, phạm vi ngành nghề, chương trình định hướng đào tạo để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển trong Đề án tuyển sinh của trường. Nguyên tắc là xét tuyển vào ngành đúng trước, sau đó xét tuyển vào ngành gần.
Thí sinh phải nộp hồ sơ ĐKXT thẳng tại sở GD-ĐT trước ngày 20-5. Thí sinh nếu không sử dụng quyền xét tuyển thẳng thì phải ĐKDT theo quy định và phải nộp hồ sơ đăng ký ưu tiên xét tuyển tại sở GD-ĐT trước ngày 20-5.
Trước 17 giờ ngày 18-7, các trường tổ chức xét tuyển thẳng thí sinh theo quy định, cập nhật danh sách trúng tuyển vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và gửi kết quả xét tuyển thẳng cho các sở GD-ĐT để thông báo cho thí sinh.