Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được ghi dấu bởi Tuyên ngôn Độc lập - kết tinh của ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam.
Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (1858), cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo chống các thế lực xâm lăng và phản động đã nổ ra. Vào đầu thế kỷ 20, các phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp ở Việt Nam đã dần im lắng. Những nỗ lực chống xâm lược cuối cùng của triều đình Kiến Phúc, Hàm Nghi với sự hưởng ứng của sĩ phu cùng nhân dân Bắc Kỳ và Trung Kỳ... biểu hiện bằng công cuộc Cần Vương đã kết thúc trong thất bại bởi sự đàn áp của Pháp và triều đình phong kiến.
Khởi đầu cho cuộc vận động giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản là phong trào Đông Du do nhà yêu nước Phan Bội Châu (1867 - 1940) lãnh đạo. Con đường cứu nước của Phan Bội Châu chủ yếu lấy phương thức bạo động vũ trang để giành độc lập. Bên cạnh đó, Phan Bội Châu cũng coi trọng việc vận động duy tân đất nước, cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa để tự cường dân tộc.
Cùng với khuynh hướng cứu nước của Phan Bội Châu, khuynh hướng cứu nước do Phan Chu Trinh đề xướng là những dòng chủ lưu chi phối phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Phan Chu Trinh là sĩ phu đầu tiên hô hào dân quyền ở nước ta. Tại triều đình Huế, nhà vua trẻ mới lên ngôi (1906) cũng lấy một tên hiệu mang đậm dấu ấn Duy Tân.
Cuộc vận động cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc chỉ nhen nhóm hy vọng khi các tổ chức cộng sản đầu tiên ra đời: Đảng Cộng sản Đông Dương (Đông Dương Cộng sản Đảng) lập ngày 17-6-1929; An Nam Đảng Cộng sản (Đảng Cộng sản An Nam) lập khoảng tháng 11-1929; Đông Dương Cộng sản liên đoàn lập ngày 1-1-1930. Trong một thời gian ngắn (6-1929 đến 1-1930) có 3 tổ chức cộng sản ra đời ở Việt Nam bộc lộ những mâu thuẫn và khuynh hướng biệt phái phản ánh yêu cầu bức bách phải thành lập Đảng Cộng sản thay thế Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để lãnh đạo phong trào cách mạng. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thực hiện sứ mệnh lịch sử: hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là: “… một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền với 3 cao trào cách mạng: 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh; 1936 - 1939 và 1939 - 1945 với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi được ghi dấu bởi Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945).
Độc lập, tự do là hai khái niệm mở đầu và xuyên suốt Tuyên ngôn Độc lập. Tinh thần đó được dẫn từ chân lý vĩnh cửu và phổ biến thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền của nước Pháp. Đó là quyền con người: quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là từ quyền của cá nhân chuyển thành quyền của toàn dân tộc: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Tiếp theo, Tuyên ngôn Độc lập tố cáo và lên án tội ác của thực dân Pháp đã: “… lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta” , thực hiện chính sách cực kỳ phản động trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… và mùa Thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương, thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, dâng quyền “bảo hộ” nước ta cho Nhật, từ đó dân ta chịu ba tầng áp bức: Nhật, Pháp và phong kiến tay sai. Sau ngày 9-3-1945, thực dân Pháp đầu hàng phát xít Nhật nhưng “chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”. Tuyên ngôn Độc lập nêu cao tinh thần nhân đạo và khoan hồng của nhân dân Việt Nam, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và chính sách đúng đắn của Mặt trận Việt Minh như cứu người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, bảo vệ tính mạng và tài sản của họ sau ngày 9-3-1945.
Ý chí tự lực, tự cường - truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam được Tuyên ngôn Độc lập nhấn mạnh: “Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam Độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.
Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trên cơ sở thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến và khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”. Quyền độc lập, tự do mà dân tộc Việt Nam tự lực, tự cường giành lấy được Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tuyên ngôn Độc lập là sự kế thừa và phát triển những Tuyên ngôn Độc lập trong lịch sử dân tộc là “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” và “Bình Ngô đại cáo”. Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh khát vọng độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường - truyền thống quý báu ngàn năm của dân tộc, là kết quả của gần 100 năm liên tục chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Tuyên ngôn Độc lập còn là biểu hiện hùng hồn khí phách, bản lĩnh kiên cường, ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam. “Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam”.
73 năm đã qua, từ khi Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những chân lý trong Tuyên ngôn Độc lập tiếp tục được thể hiện qua các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc; qua quá trình lao động xây dựng một nước Việt Nam mới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Và chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do” - khát vọng của dân tộc Việt Nam tiếp tục tỏa sáng trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.