Để UBND các quận có thể triển khai công tác bồi thường, đảm bảo yêu cầu về tiến độ bàn giao mặt bằng, Ban Quản lý đường sắt đô thị kiến nghị UBND TPHCM xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các bước tiếp theo.
Cụ thể: Hội đồng Thẩm định bồi thường TPHCM xem xét và trình UBND TPHCM thông qua đơn giá bồi thường; Tổ công tác tổ chức họp, rà soát, thống nhất với các quận và sở ngành liên quan kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; Sở Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh đơn giá theo quy định; Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt điều chỉnh dự án, bố trí vốn thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; UBND các quận tiếp tục triển khai các thủ tục cần thiết để chi trả bồi thường, thu hồi đất và bàn giao mặt bằng.
Tuyến metro số 2 đi qua địa bàn của 6 quận: 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú, 12. Số lượng đoàn tàu ban đầu dự kiến là 10 đoàn (tàu 3 toa), sau đó tăng lên 17 đoàn tàu với công suất tối đa 40.000 khách/giờ/hướng. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến điều chỉnh lên khoảng 48.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2010.
Trong đó, vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chiếm khoảng hơn 20.000 tỷ đồng, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) hơn 11.000 tỷ đồng, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EID) hơn 5.000 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của TPHCM gần 12.000 tỷ đồng.
Dự kiến các mốc thời gian thực hiện chính: năm 2017-2018 tổ chức đấu thầu song song điều chỉnh dự án; năm 2019 khảo sát và thiết kế kỹ thuật; năm 2020-2023 tổ chức thi công; năm 2024 kiểm tra hoàn thành, vận hành chạy thử và khai thác.