Triển khai đồng bộ các gói thầu
Theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban 2 Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR), hiện tại công tác giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đã hoàn tất gần 100% các thủ tục pháp lý và tiếp nhận mặt bằng bàn giao đạt 76,45%.
Hiện quận Tân Phú đã hoàn thành và quận 10, 12 đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng; UBND các quận 1, 3, Tân Bình đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục pháp lý và vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án. Trong năm 2021, trên cơ sở mặt bằng sạch được bàn giao, MAUR sẽ khởi công di dời - tái lập các công trình hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, cấp nước, điện lực, cây xanh, chiếu sáng và biển báo giao thông...) trong phạm vi ảnh hưởng của dự án nhằm đảm bảo triển khai đồng bộ.
Hiện MAUR đang xúc tiến tổ chức đấu thầu các gói thầu thi công, tư vấn giám sát trong giai đoạn 2021-2022 và triển khai thi công các hạng mục chính của dự án từ năm 2022. Cụ thể, khởi công hai gói thầu CP3a và CP3b (hầm và các nhà ga ngầm). Giai đoạn 2023-2024, thiết kế và tổ chức thi công đào hở, xây dựng tường vây tại các nhà ga, trong đó tiến độ ưu tiên tại các nhà ga S7 (ngã tư Bảy Hiền) và nhà ga S10 (đầu đường Phạm Văn Bạch) để có mặt bằng cho máy TBM khoan thi công ngầm. Từ năm 2024, thiết kế và tổ chức thi công ngầm bằng máy khoan ngầm TBM (dự kiến 4 máy) theo 2 mũi, từ nhà ga S7 (Bảy Hiền) về phía nhà ga S1 (Bến Thành) và nhà ga 5.
Giai đoạn 2025-2026 thi công hoàn thiện các nhà ga ngầm. Song song đó, tổ chức thi công đào và xử lý nền móng tại khu vực depot Tham Lương; thi công đoạn chuyển tiếp từ ngầm lên cao; thi công cầu cạn, nhà ga trên cao S11 (Tân Bình) và đoạn cầu cạn chuyển tiếp vào depot Tham Lương. Thi công hoàn thiện nhà ga S11 (Tân Bình) và hạ tầng tại depot Tham Lương (đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng...). Thiết kế chi tiết các hạng mục cơ điện hệ thống: toa xe, thông tin tín hiệu, trạm điện 110kv, thiết bị depot, trung tâm điều khiển… Tất cả hạng mục dự kiến sẽ hoàn thành và tổ chức vận hành và chạy thử vào cuối năm 2026.
Tìm nguồn kinh phí thuê chuyên gia tư vấn
Để dự án sớm được triển khai, MAUR đang xúc triến với các nhà tài trợ có thể sử dụng nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng ADB đang chuẩn bị thực hiện cho việc xúc tiến khoản vay mới cho dự án, để thuê chuyên gia tư vấn đấu thầu gói CS2B nhằm đẩy nhanh tiến độ. Nguyên nhân, do Ngân hàng KFW xác nhận không thể thu xếp nguồn vốn để thực hiện huy động chuyên gia tư vấn đấu thầu cho gói thầu CS2B và đề nghị MAUR tìm kiếm nguồn khác.
Về vấn đề này, Thường trực UBND TPHCM đã thống nhất chủ trương tiếp tục đàm phán với tư vấn IC nhiệm vụ phát sinh để thực hiện dịch vụ tư vấn, nhằm hoàn thành công tác tổ chức lựa chọn và ký kết hợp đồng với các nhà thầu chính của dự án. Hiện nay, MAUR đang tiến hành thương thảo với IC đối với một số yêu cầu tư vấn trước khi chính thức thương thảo nội dung chi tiết của phụ lục Hợp đồng số 13.
Song song đó, sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng về áp dụng quy định chuyển tiếp trong cập nhật dự toán gói thầu, MAUR đã báo cáo và đề nghị hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án hướng dẫn để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Hiện Sở GTVT TPHCM đang lấy ý kiến các sở ngành và UBND các quận huyện về quy định chuyển tiếp trong cập nhật dự toán gói thầu. MAUR kiến nghị Sở KH-ĐT khẩn trương tham mưu UBND TPHCM nội dung phản hồi Bộ KH-ĐT về tình hình thực hiện dự án sử dụng vốn Ngân hàng KFW, ADB, EIB; tham mưu UBND TP gia hạn các khoản vay của Ngân hàng KFW.
Sở Tài chính TP cho rằng, không có cơ sở để tham mưu UBND TPHCM bố trí kinh phí từ nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho MAUR để thực hiện tư vấn luật chung cho các dự án dường sắt đô thị TP. Do đó, MAUR đề nghị UBND TP trước mắt cho phép thuê tư vấn luật chung để hỗ trợ MAUR trong đàm phán, thương thảo, quản lý hợp đồng các gói thầu tuyến số 2, nguồn kinh phí trích từ vốn đối ứng của dự án. Về quy trình thẩm định, phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở, Sở Xây dựng TP sớm có hướng dẫn.
Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương là một trong những tuyến dài nhất TP (48km). Giai đoạn 1 của tuyến dài 11,2km được đầu tư xây dựng nhằm bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm TP về phía Tây Bắc và ngược lại. Đồng thời là cơ sở phát triển và kết nối các tuyến đường sắt đô thị sau này. |