Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vừa được Ban Quản lý dự án đường sắt hoàn thành, Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài gần 42km, trong đó đoạn đi qua TPHCM dài gần 12km, đoạn qua Đồng Nai dài hơn 30km.
Tuyến có tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3,4 tỷ USD. Dự án có mục tiêu kết nối Sân bay Long Thành với TPHCM, đồng thời phát triển đô thị dọc tuyến.
Toàn tuyến có phần đi trên cao, cầu cạn, cầu vượt sông là 30,67km, chiếm 66,34% chiều dài dự án; đoạn đi hầm 15,13km, chiếm 32,73%; đoạn đi trên nền đường đất 430m, chiếm 0,93%.
Dự án sẽ có 20 ga, gồm 16 ga trên cao, 4 ga ngầm.
Tư vấn kiến nghị loại hình cho Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sử dụng đoàn tàu động lực phân tán (EMU), tiếp điện trên cao, đáp ứng năng lực chuyên chở từ 30.000 - 40.000 người/hướng/giờ. Tốc độ thiết kế tối đa 120km/h trên chính tuyến (90km/h trong hầm). Tốc độ vận hành tối đa 110km/h trên chính tuyến, 80km/h trong hầm.
Về nguồn vốn, đơn vị tư vấn đề xuất tổng mức đầu tư dự kiến (không bao gồm lãi vay) để xây dựng đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành là 84.752 tỷ đồng (tương đương hơn 3,4 tỷ USD), trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 5.504 tỷ đồng.
Về hình thức đầu tư, đơn vị tư vấn kiến nghị dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước khoảng 58.609 tỷ đồng, chiếm 69% tổng mức đầu tư. Vốn vay ODA khoảng 26.143 tỷ đồng, chiếm 31% tổng mức đầu tư.
Dự kiến, Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Bộ GTVT thẩm định nội bộ quý 4-2024; trình Hội đồng Thẩm định Nhà nước vào quý 1-2025; trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào quý 2-2025; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, trình phê duyệt dự án vào quý 1-2026; tổ chức giải phóng mặt bằng từ quý 2-2026; hoàn thành lựa chọn nhà thầu EPC, khởi công dự án vào quý 4-2026.
Giai đoạn thi công xây dựng dự án sẽ bắt đầu từ quý 4-2026 đến năm 2029; mua sắm trang thiết bị trong năm 2028-2029; dự kiến từ năm 2030 vận hành thử, khai thác thương mại.