Tuy nhiên, theo thông báo của nhà thầu tư vấn Systra, việc chạy thử sẽ thực hiện trong môi trường hạn chế. Nội dung vận hành thử gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bao gồm vận hành hệ thống trong thời gian tối thiểu là 5 ngày và có thể kéo dài tới 6 tuần.
Theo đó, hệ thống đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao được vận hành theo 2 biểu đồ chạy tàu ngày, thời gian từ 9 giờ - 19 giờ, với số đoàn tàu tối đa 4 - 8 đoàn chạy trong 5 ngày liên tiếp. Hiệu suất hoạt động của hệ thống được báo cáo trong cuộc họp sau 19 giờ mỗi ngày chạy tàu.
Trường hợp mục tiêu hiệu suất chạy thử trong 5 ngày liên tiếp không đạt được (nếu tính khả dụng của hệ thống đạt dưới 98%), việc chạy thử sẽ được kéo dài đến khi đạt kết quả.
Giai đoạn 2 sẽ diễn ra sau đó với 5 kịch bản vận hành đoàn tàu hạn chế ở các chế độ: mất điện kéo trên toàn tuyến, mất điện kéo ở một đoạn trên tuyến, mất nguồn cấp điện phụ trợ, phát hiện cháy tại một ga và tàu cứu hộ trên tuyến chính.
Đơn vị tư vấn Sytra đề nghị đưa nhân sự của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị sẽ tiếp nhận vận hành) tham gia quá trình vận hành thử trên. Việc chuyển giao kiến thức sẽ bắt đầu với tối thiểu 15 lái tàu, 5 nhân viên trung tâm chỉ huy điều hành hệ thống và 2 quản lý.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm: 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm với 12 nhà ga, 1 depot rộng 15,5ha và 10 đoàn tàu. Dự án có tổng mức đầu tư 32.910 tỷ đồng (khoảng 1.176 triệu Euro) từ nguồn vay ODA của Tổng cục Kho bạc của Chính phủ Pháp; Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á và 218 triệu Euro vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội.
Hiện hệ thống các ga ngầm và ống hầm đã đạt trên 42% khối lượng công việc. Đoạn tuyến trên cao dài 8,5km Nhổn - Cầu Giấy dự kiến sẽ đưa vào khai thác thương mại trong năm 2023. Theo tiến độ cập nhật mới nhất, tới 2027, dự án sẽ đưa vào khai thác toàn tuyến.