Chưa giải quyết được nạn chiếm dụng vỉa hè
Tiêu chí để đánh giá tuyến đường kiểu mẫu về văn minh đô thị tại TPHCM là: không có bán hàng rong, ăn xin; không có treo, vẽ, dán quảng cáo trái phép; không có nạn chiếm dụng vỉa hè; có lắp đặt thùng rác, có nhà vệ sinh công cộng đảm bảo mỹ quan, thuận lợi cho người dân sử dụng. Ban đầu, các quận có quan tâm chăm chút thực hiện các tiêu chí đó, nhưng rồi sau một thời gian thì buông lỏng quản lý, nên phần lớn các tuyến đường kiểu mẫu đã không còn giữ được tiêu chí quy định.
Đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua các quận 1, 3, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, được Sở Giao thông Vận tải và các địa phương thực hiện tuyến đường kiểu mẫu, tổ chức bảo vệ môi trường, trật tự, mỹ quan đô thị và kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Thế nhưng, hàng ngày cứ từ khoảng 18 giờ, 2 tuyến đường này lại trở nên bát nháo do các quán nhậu thi nhau bày bàn ghế ra dọc vỉa hè buôn bán và chèo kéo khách hàng.
Đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn qua Công viên Lê Thị Riêng (giáp ranh quận 10 và Tân Bình) cũng được chọn làm tuyến đường kiểu mẫu, nhưng lâu nay đã trở thành nơi buôn bán của các xe đẩy bán hàng rong. Các gánh hàng rong tràn xuống, chiếm luôn lòng đường để buôn bán, chèo kéo khách hàng, khiến đoạn đường này càng trở nên nhếch nhác, bát nháo.
Trên tuyến đường kiểu mẫu Nguyễn Trãi (đoạn thuộc quận 5, từ ngã tư Trần Bình Trọng đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), hầu hết phần vỉa hè dành cho người đi bộ cũng bị các hàng quán, xe đẩy bán hàng rong chiếm dụng gần hết, làm nơi để xe, kinh doanh tấp nập. Người đi bộ không còn cách nào khác là phải đi xuống lòng đường.
Tương tự, tại một số tuyến đường kiểu mẫu ở quận 3, quận 5, quận 10 như tuyến đường Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Ba Tháng Hai…, tình trạng xe cộ dựng ngổn ngang, buôn bán chiếm vỉa hè vẫn phổ biến; các tờ rơi quảng cáo, rao vặt dán chi chít tại các cột điện.
Cần đồng bộ
Thực tế, sau nhiều năm triển khai tuyến đường kiểu mẫu, tình trạng chiếm dụng lòng lề đường để buôn bán mất an ninh trật tự vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Vỉa hè dành cho người đi bộ, thậm chí ngay cả lòng đường cũng bị chiếm dụng để buôn bán.
Chị Bùi Thị Bảo Khuê (ngụ đường Nguyễn Trãi, quận 5) bức xúc: “Vỉa hè là dành cho người đi bộ, thế nhưng hiện nay hầu hết vỉa hè trên địa bàn đều bị các hàng quán lấn chiếm để buôn bán tấp nập, nhiều nhất là vào buổi chiều tối. Một số nơi người đi bộ không có chỗ để đi, buộc phải đi dưới lòng đường rất nguy hiểm. Mong chính quyền có biện pháp mạnh tay hơn, nếu không thể dẹp được thì cũng nên nhắc nhở, tuyên truyền những người buôn bán ở vỉa hè nên chừa lại một khoảng diện tích nhỏ cho người đi bộ”.
Chị Trần Thị Yến (ở quận Gò Vấp) cho biết: “Thực tế hiện nay nhiều hàng quán kinh doanh buôn bán chủ yếu dùng mặt bằng trên vỉa hè, nhưng không chừa lối cho người đi bộ. Khi có kiểm tra thì lòng đường, vỉa hè được dọn dẹp gọn gàng, nhưng sau đó lại tràn ra để buôn bán tiếp. Nhiều chợ tạm họp ngay bên đường, rác thải, nước thải nhiều vô cùng khiến các đoạn đường xuống cấp, ô nhiễm nghiêm trọng”.
Thiết nghĩ, để xây dựng mô hình các tuyến đường kiểu mẫu trên địa bàn TPHCM thành công và có hiệu quả, các ban ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương cần phải phối hợp đồng bộ, xử lý nghiêm khắc; đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền người dân cam kết không vi phạm. Bên cạnh đó, các công trình công cộng như nhà vệ sinh, thùng rác phải được lắp đặt ở nhiều khu vực trên địa bàn.