Thiếu cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ
Tuyên bố chung cũng cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn còn thấp và rủi ro đã xuất hiện do căng thẳng thương mại và địa chính trị đã gia tăng. Ngoài ra, 19 thành viên G20, ngoại trừ Mỹ, đã nhất trí “không thể đảo ngược” Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết thực thi đầy đủ thỏa thuận này.
Tuy nhiên, theo Japan Times, các nhà lãnh đạo G20 đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh mà không có cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ và thể hiện sự chia rẽ về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vào thời điểm mà sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, các lãnh đạo G20 thừa nhận rằng đó là một trong những rủi ro lớn.
“G20 quyết tâm đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ”, Japan Times trích lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tuyên bố bế mạc và cho biết các nước thành viên cũng có thể “xác nhận rõ ràng các nguyên tắc cơ bản của thương mại tự do” kêu gọi thương mại công bằng và không phân biệt đối xử.
Tuyên bố này được hạ thấp so với kỳ vọng là cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Kết quả này tương tự với thượng đỉnh G20 trước đó ở Buenos Aires, theo đó các lãnh đạo G20 tránh dùng từ “bảo hộ”. Các nhà lãnh đạo G20 đã xác nhận một bộ nguyên tắc đầu tư cho cơ sở hạ tầng “chất lượng cao” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhật Bản đã nói các nguyên tắc mới để phát triển cơ sở hạ tầng nên bao gồm các yếu tố như công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và mang tính bền vững.
Ngày 29-6, ngày họp thứ 2 của Hội nghị G20, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp và hội kiến với các Tổng thống Nga, Hàn Quốc, các Thủ tướng Đức, Australia, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận hai bên đã cam kết trong các chuyến thăm chính thức cấp cao giữa hai nước, nhất là chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng tháng 6-2019, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, nhất là trên lĩnh vực năng lượng, dầu khí, công nghệ cao.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đánh giá cao quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh thời gian qua; khẳng định cam kết của Chính phủ Australia đưa quan hệ đối tác chiến lược hai nước lên tầm cao mới trên nhiều lĩnh vực; đồng thời ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với ASEAN (cơ chế ASEAN + 1). Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cao hai bên đã có nhiều hoạt động trao đổi hiệu quả về các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres chúc mừng Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, cho rằng Việt Nam sẽ là nhân tố quan trọng, đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội đồng Bảo an LHQ.
Tổng thư ký LHQ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới, trong đó có việc tiếp tục cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nam Sudan; khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt các vai trò tại LHQ.
Đáng chú ý trong kỳ họp thượng đỉnh lần này là cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 29-6. Sau cuộc họp, hai bên đã đồng ý bắt đầu lại các cuộc đàm phán thương mại và Washington sẽ không đánh thuế mới đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Theo Reuters, trong một tuyên bố dài về cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Mỹ sẽ không áp dụng thuế quan mới đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, và các nhà đàm phán của cả hai nước sẽ thảo luận về các vấn đề cụ thể. |