Từ 10 năm trước, sân khấu thành phố bắt đầu thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ với thể loại kịch kinh dị, ma quái. Thời điểm đó, hầu như các sân khấu kịch nói ở TPHCM đều chuộng thể loại kịch này với lập luận của các ông bà “bầu” rằng, trong lúc khó khăn về khán giả, phải thu hút họ trước đã, khi đã ổn định rồi, sẽ làm các vở kịch tử tế sau. Nhưng những người làm sân khấu chưa lường trước được những hiệu quả ngược từ việc chạy đua theo thể loại kịch này.
Hơn 10 năm sau đó, hầu như loại kịch này chiếm lĩnh các sàn diễn. Đây là điều đáng lo ngại và chính những người làm sân khấu cũng thấy rõ được điều này.
Sân khấu ma, kinh dị, hài tầm thường vô bổ, vô nghĩa đang làm giảm sút dần số lượng người xem. Những cảm thụ thẩm mỹ của họ ngày càng xuống cấp, những cảm thụ văn chương ngày càng báo động.
Còn khán giả thì từ người thưởng thức tụt hạng trở thành người tiêu thụ. Điều lo ngại nhất là để sân khấu rơi vào suy thoái - một dạng suy thoái văn hóa - sẽ rất khó vực dậy khi khán giả là người tiêu thụ thì sân khấu cũng trở nên tầm thường bởi sự dễ dãi của cả người làm sân khấu lẫn người xem. Chất lượng nghệ thuật giảm, chất lượng giải trí tăng và sân khấu xuống cấp dần.
Nói như vậy không có nghĩa là toàn bộ sân khấu đều xuống cấp hay toàn bộ khán giả đều có thị hiếu kém, thẩm mỹ yếu, trình độ thưởng thức tồi. Khán giả không đến với sân khấu vì những gì sân khấu làm để lôi cuốn họ đã bão hòa.
Hơn nữa, nhiều khán giả đến sân khấu không hoàn toàn để giải trí. Nhưng điều khiến họ quay lưng với sân khấu là sự tầm thường hóa từ kịch bản đến đạo diễn và diễn xuất của diễn viên.
Khi tìm nguyên nhân của sự suy thoái về chất lượng nghệ thuật cũng như tư tưởng, nên chăng người làm sân khấu tự tìm ở bản thân mình.
Lẽ ra, chúng ta phải nỗ lực làm sao để sân khấu dẫn dắt người xem, đi trước khán giả một bước, nâng cao tầm thị hiếu của họ. Công việc định hướng này khó khăn nhưng không thể không làm. Biết rằng nói thì dễ, làm mới khó nhưng chúng ta phải làm để trả lại cho sân khấu những gì đã mất.
Giải pháp không phải là hạ xuống chất lượng nghệ thuật cho bằng khán giả mà là phải nâng trí thức thị hiếu của khán giả lên ngang tầm trí thức của người nghệ sĩ.
Và như vậy, nhà quản lý phải có chiến lược lâu dài nâng cao dần cảm thụ văn chương và cảm thụ thẩm mỹ cho khán giả và cho cả người làm sân khấu. Nếu kinh tế thị trường cần người tiêu thụ thì văn học nghệ thuật cần người biết thưởng thức.
Trong thưởng thức có hưởng thụ, khen chê… nhưng không thụ động chỉ tiếp cận một chiều từ sân khấu mà còn là sự phản hồi ngược lại từ khán phòng. Nếu giữa sân khấu và khán phòng có sự đồng điệu, giao thoa thì sân khấu có sự thăng hoa và phát triển lên một tầm cao mới.
Rất tiếc là bên cạnh những cái được của hội nhập, chúng ta cũng phải chịu luôn những cái không mong muốn, không khuyến khích của văn hóa đại chúng đang lôi cuốn đám đông tuổi trẻ các chiêu, các trò giải trí mà diễn biến thính thị của nó tuy hấp dẫn nhưng ẩn chứa không ít những nguy cơ ảnh hưởng đến bản sắc của nghệ thuật, trong đó có thị hiếu của cả người làm sân khấu lẫn khán giả.
Đó là nguy cơ nghiệp dư hóa sân khấu, phần lớn do người làm sân khấu muốn tồn tại phải hạ thấp mình xuống cho ngang bằng với khán giả mua vé. Người làm văn học nghệ thuật phải là một bộ phận của trí thức, sự sáng tạo là kết quả của hoạt động trí tuệ. Người xem biết thưởng thức nghệ thuật cũng là những trí thức như nghệ sĩ. Cách xem, thái độ xem của họ nâng cánh bay của nghệ sĩ lên một tầm cao mới.
Từ nhận thức này đi đến một nhu cầu cấp bách là cần một chiến lược nâng cấp trình độ thưởng thức và hưởng thụ cho khán giả của sân khấu.
Sự xuất hiện các tài năng trong sáng tác, dàn dựng và biểu diễn đều có xuất phát điểm từ trình độ dân trí, từ trí thức của người làm ra sản phẩm và người thụ hưởng sản phẩm. Rõ ràng, những mâu thuẫn của mối quan hệ sân khấu - khán giả - sân khấu luôn cần những bài giải hợp lý.