Bocuse d’Or là cuộc thi ẩm thực quốc tế nổi tiếng trên thế giới, còn được mệnh danh là Cúp vô địch thế giới chuyên về ẩm thực. Vòng chung kết của cuộc thi được tổ chức 2 năm 1 lần tại Lyon, nhằm quảng bá và tạo điều kiện cho các đầu bếp thể hiện tài năng ẩm thực hiện đại của mình, cũng như kế thừa và đổi mới các nền văn hóa ẩm thực truyền thống đa dạng.
21 đội thi năm nay phải thi đấu trong 2 ngày. Ngày đầu, họ nấu một khay thức ăn với phần nạc vai cắt nguyên miếng từ thịt bò. Trong ngày thứ 2, các đầu bếp phải dùng thành phần chính là cà chua bi để nấu 3 món (khai vị, món chính, tráng miệng) và đặt trong một chiếc hộp mang đi hay để giao tận nhà thực khách, như một cách đề cao nỗ lực thích nghi cách nấu ăn trong mùa đại dịch.
Vốn nổi danh với các món đặc sản của Pháp, Davy Tissot lại không đạt được thành tích cao trong cuộc thi bán kết giữa các đội tuyển châu Âu hơn 1 năm trước - chỉ đứng hạng 6, sau các đồng nghiệp Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland và Phần Lan. Đây cũng là lý do ông Davy Tissot được giới truyền thông đặc biệt quan tâm sau khi ban tổ chức công bố kết quả năm nay.
Trả lời phỏng vấn, ông Davy Tissot cho biết đã tận dụng thời gian phong tỏa tại Lyon để thực hành những công thức nấu ăn theo chuyên đề. Cùng với phụ bếp Arthur Debray, ông đã nấu ăn mỗi ngày 5 tiếng theo đúng các điều kiện cuộc thi quốc tế, rèn luyện từng động tác sao cho thuần thục, nhuần nhuyễn. Những nỗ lực bền bỉ ấy đã giúp Davy Tissot đem về cho nước Pháp tượng vàng Bocuse d’Or ngay trên sân nhà.
Ông Davy Tissot chia sẻ, cuộc thi là một trải nghiệm quý báu ngay cả đối với một người dạy nấu ăn như ông. Tượng vàng Bocuse d’Or là cách để nhắc nhở ông đừng “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, và bất cứ ai cũng đều có thể trau dồi học hỏi dù đang ở lứa tuổi nào.
Ở tuổi 44 và đã thành danh tại Lyon, việc tham gia cuộc thi tầm cỡ như Bocuse d’Or vốn là điều mạo hiểm. Với một số đầu bếp khác, họ sẽ đào tạo một ê kíp lành nghề, giao phó cho phụ tá công việc đứng bếp, còn bản thân sẽ chạy vòng ngoài để kinh doanh thương hiệu. Nhưng Davy Tissot thì không.
Ông nuôi tham vọng giành Bocuse d’Or. Để tham gia cuộc thi, ông phải trải qua nhiều vòng thi tuyển. Sau khi vượt qua vòng đầu tại Pháp, ông đến Tallin, thủ đô Estonia, vào mùa thu năm ngoái để dự thi vòng bán kết bên cạnh 15 đội châu Âu. Tuy không có mặt trên bảng vàng, nhưng ông vẫn hội đủ số điểm (1.851 điểm) để lọt vào vòng chung kết.
Theo ông Jerome Bocuse, chủ tịch cuộc thi và cũng là con trai của nhà sáng lập cuộc thi, đầu bếp huyền thoại Paul Bocuse, trình độ các đầu bếp dự thi ngày càng cao. Chỉ từ những nguyên liệu tưởng chừng đơn giản như cà chua bi hay thịt bò, các đầu bếp có thể trổ tài nấu nướng, tạo ra những món ăn đặc sắc phi thường về mặt khẩu vị, cũng như hấp dẫn trong cách trình bày.