Những điều này đã được thảo luận tại Diễn đàn truyền thông ASEAN - Hàn Quốc do Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC) phối hợp báo Korea Herald và Maeil tổ chức tại Seoul. Diễn đàn đã thu hút các chuyên gia và đại diện từ các tổ chức truyền thông ở Hàn Quốc và ASEAN cùng các quan chức chính phủ, cộng đồng ngoại giao, học viện và chuyên gia. Diễn đàn diễn ra trong 2 phiên: Làn sóng Hàn Quốc trong ASEAN: Quá khứ thành công; Làn sóng ASEAN bền vững ở Hàn Quốc: Trao đổi văn hóa hai chiều ASEAN - Hàn Quốc.
Trong lời nhận xét của mình, Tổng thư ký AKC Lee Hyuk cho biết, làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã là trụ cột quan trọng cho mối quan hệ bền chặt giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Theo ông, sự phổ biến của văn hóa Hàn Quốc ở cấp độ thế giới bao gồm: K-pop, phim truyền hình, phim điện ảnh, hoạt hình, trò chơi và thực phẩm. Số lượng người hâm mộ văn hóa Hàn Quốc trên toàn thế giới đạt 89,2 triệu người tại 113 quốc gia, dựa trên báo cáo của Quỹ Hàn Quốc. Trong số này, 70 triệu người ở châu Á, tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu.
Tổng thư ký Lee Hyuk cho rằng, sự phổ biến của K-drama (phim chính kịch Hàn Quốc) và K-pop trong ASEAN đã dẫn đến sự gia tăng nhận thức về các nền văn hóa Hàn Quốc mà giờ đây đã mở rộng sang K-beauty (làm đẹp kiểu Hàn Quốc) và K-food (thực phẩm Hàn Quốc). Sức mạnh mềm của Hàn Quốc đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân ASEAN.
Ông nói thêm rằng, phần ngược lại, văn hóa ASEAN đã trở nên phổ biến hơn ở Hàn Quốc. Các nhà hàng phục vụ các món ăn Đông Nam Á ngày càng xuất hiện nhiều ở Hàn Quốc và ASEAN tiếp tục là điểm đến du lịch phổ biến nhất của người dân Hàn Quốc.
Theo ông, truyền thông ASEAN và Hàn Quốc đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy văn hóa hai bên. Giáo sư Jang Won-ho, Giám đốc Trung tâm Văn hóa xã hội và đồng cảm xã hội Hàn Quốc, trình bày về làn sóng văn hóa Hàn Quốc trên toàn cầu, cho biết: Năm 2015, xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc trên toàn cầu đạt 5,46 tỷ USD và trong số đó, Đông Á (bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc) đứng đầu về mức tiêu thụ với 2,9 tỷ USD, tiếp theo là Bắc Mỹ với 900 triệu USD và các nước ASEAN với 800 triệu USD.
ASEAN đứng thứ hai về mua bản quyền âm nhạc và nội dung phát sóng các chương trình của Hàn Quốc với 70 triệu USD, sau Đông Á với 440 triệu USD. Năm 2017, xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc đạt tới 6,8 tỷ USD trên toàn cầu, trong đó ASEAN đứng thứ hai về chi tiêu cho văn hóa Hàn Quốc với 1,3 tỷ USD...
Sức mạnh của làn sóng văn hóa Hàn Quốc trong ASEAN không đơn thuần là công nghệ để tạo ra những câu chuyện hấp dẫn mà còn bởi vì văn hóa Hàn Quốc thể hiện một cái gì đó tươi mới, trẻ trung, sôi động và hấp dẫn, nhất là các bộ phim truyền hình Hàn Quốc và K-pop.