Báo SGGP ngày 12-5 có bài Dùng Zalo ngăn ngừa tội phạm phản ánh việc Công an quận Bình Thạnh (TPHCM) sử dụng mạng Zalo để tương tác với người dân trên địa bàn, làm một công cụ phòng chống và tố giác tội phạm. Chỉ khoảng 6 tháng thực hiện, mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực.
Là cư dân tại quận Bình Thạnh, tôi ghi nhận đây là một cách làm hay và hiệu quả, đáng hoan nghênh. Tài khoản “Phong trào phòng, chống tội phạm” trên Zalo đã thu hút nhiều người tham gia. Nhiều ý kiến, văn bản cảnh báo tình hình an ninh trật tự, thông tin về hành vi, thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm đã được chia sẻ.
Tại phường 19 nơi tôi ở, công an phường đã triển khai cho các cảnh sát khu vực (CSKV) mở tài khoản “Alo CSKV” để kịp thời trao đổi thông tin với người dân và rồi nhanh chóng thu hút rất đông người dân tham gia. Kể từ khi tham gia trang “Alo CSKV”, tôi thấy rất thuận tiện trong việc trao đổi thông tin với CSKV của mình. Trước đây, bức xúc chuyện gì, muốn báo công an chuyện gì, người dân còn ngần ngại gọi điện thoại hay đến công an phường trao đổi; nay chỉ cần ở nhà là có thể thông báo nhanh, đầy đủ mọi chuyện. Thông tin công khai, báo trên diễn đàn, còn bí mật thì nhắn tin riêng cho CSKV. Do vậy, người dân đã liên tục gửi thông tin cho CSKV về hành tung của những đối tượng bất hảo, về những kẻ có hành vi đáng ngờ thường lảng vảng ở một số tuyến đường.
Từ sự hiệu quả của quận Bình Thạnh, ngành công an cần quan tâm nhân rộng mô hình này để đấu tranh chống tội phạm và xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa công an địa phương và nhân dân. Tận dụng các chức năng của Zalo như nhắn tin, điện thoại, chia sẻ clip và hình ảnh, các tài khoản Zalo phòng chống tội phạm dễ dàng tập hợp thêm thành viên, để thông tin rộng mở hơn, mối quan hệ phát triển rộng khắp, tạo sự tương tác gắn bó giữa công an và nhân dân, giúp ích cho công an trong việc tổ chức nắm bắt tình hình an ninh trật tự, truy bắt tội phạm.