Lễ tưởng niệm không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, truyền thống văn hóa mà hơn thế nữa, đó là sự sẻ chia và lời cảnh báo để hệ thống chính trị và toàn xã hội nhìn lại, khắc phục yếu kém, vươn lên, góp sức xây dựng đất nước.
Làn sóng thứ 4 đại dịch Covid-19 bùng phát, TPHCM là tâm dịch. Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền cùng toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc phòng chống dịch mạnh mẽ, bằng mọi biện pháp.
Song, diễn biến dịch phức tạp, khôn lường, chưa từng có tiền lệ, đã khiến hơn 23.000 người tử vong; trong đó TPHCM có hơn 17.000 người. Đại dịch để lại hệ lụy thảm khốc, nhiều gia đình, họ hàng không thể nhìn mặt, đưa tiễn người thân; hàng ngàn trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa...
Trước nỗi đau đớn chưa từng có ấy, ngày 6-10-2021, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đề xuất có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.
Đề xuất nhân văn trên đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố và sự đồng thuận của nhiều tầng lớp nhân dân trong cả nước, đặc biệt trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa bế mạc cách đây ít ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có chủ trương giao MTTQ Việt Nam phối hợp với TPHCM và các địa phương có liên quan tổ chức lễ tưởng niệm. Và, trong cuộc cuộc họp giữa Thường trực Trung ương MTTQ Việt Nam với các địa phương ngày 13-11 đã thống nhất tổ chức lễ tưởng niệm tại TPHCM và TP Hà Nội thật trang trọng, lay động lòng người.
Trong quá khứ, Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần có chủ trương tổ chức lễ tưởng niệm, như: tưởng niệm cầu siêu cho hơn 2 triệu đồng bào tử vong trong nạn đói 1945. Hàng năm, nước ta cũng tổ chức tưởng niệm và cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.
Còn với cuộc chiến chống Covid-19, dù sẽ còn kéo dài, song, tổ chức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch là việc làm cần thiết, kịp thời, có ý nghĩa nhân văn. Tưởng niệm để chia sẻ với vong linh các nạn nhân; an ủi, động viên thân nhân của họ vượt qua nỗi đau, tổn thất không gì bù đắp được để vươn lên.
Hơn thế, lễ tưởng niệm còn là lời cảnh tỉnh toàn xã hội để chủ động hơn trước những thảm họa do đại dịch khác có thể gây ra trong tương lai. Rồi đây, chúng ta sẽ có dịp nhìn lại toàn bộ diễn biến của “cuộc chiến” từ khi bùng phát dịch đến các bước đi ngăn chặn dịch, điều trị cứu người. Không chỉ thế, qua cơn “hồng thủy” này, chúng ta cần thay đổi sự đối xử giữa con người với thiên nhiên; giữa con người với con người.
Tưởng niệm để nhắc nhớ và cảnh báo chúng ta cần xây dựng hệ thống y tế mạnh từ cơ sở đến trung ương để đủ sức ứng phó với dịch bệnh, và cảnh báo cả đạo đức nghề nghiệp để không tái diễn cảnh: chưa kịp tuyên dương những hành động đẹp trên mặt trận chống dịch đã buộc phải khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự những thầy thuốc - nhà quản lý bán thuốc giả, khai khống hoặc nâng giá thuốc, trang bị y tế để vụ lợi.
Và có lẽ, qua lễ tưởng niệm còn là dịp để đội ngũ những công bộc, đầy tớ của nhân dân nhìn nhận lại mình; rằng, phải luôn biết đau nỗi đau của nhân dân, phải hết sức, hết lòng, tận tâm, tận lực với việc chung, nhất là khi đất nước lâm nguy, nhân dân cơ cực.
Lễ tưởng niệm không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, truyền thống văn hóa mà hơn thế nữa, đó là sự sẻ chia và lời cảnh báo để hệ thống chính trị và toàn xã hội nhìn lại, khắc phục yếu kém, vươn lên, góp sức xây dựng đất nước.
TRẦN THẾ TUYỂN