Nhà văn Nguyễn Quốc Trung (1956 - 2021) sinh tại Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ông nhập ngũ cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ trong hàng ngũ sư đoàn 341. Đất nước thống nhất, ông tiếp tục cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam và tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.
Trở về từ khói lửa, Nguyễn Quốc Trung theo học khóa 3 Trường viết văn Nguyễn Du rồi công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho đến ngày nghỉ hưu với cấp bậc đại tá.
Các khách mời cùng dành một phút mặc niệm tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung và những người tử nạn trong đại dịch Covid-19 |
Là một trong những nhà văn dồi dào bút lực, say mê sáng tác cho tới hơi thở cuối cùng. Vào ngày 19-5 vừa qua, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Trước đó, ông từng được nhận nhiều giải thưởng văn học khác của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Văn học sông Mê Kông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Văn Nghệ, Báo Sài Gòn Giải Phóng…
Trong bài phát biểu của mình, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nhắc lại tiểu thuyết đầu tay Biên giới, xuất bản năm 1985 của nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Tác phẩm tập trung khai thác những câu chuyện về đất và người trên xứ sở Chùa Tháp mà ông dự phần, với tư cách một người lính trận.
Theo nhà văn Bích Ngân, sự quả cảm phi thường, sự hy sinh gan dạ và sự mất mát âm thầm đã ám ảnh ông và lần lượt tràn lên các tiểu thuyết Bên rừng thốt nốt, Người đàn bà khóc mướn, Đất không đổi màu...
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu tại chương trình |
“Ở thời điểm hiện nay, khi điều kiện xã hội đã cho phép nhiều tác phẩm phi hư cấu đề cập trực diện đến chiến trường Campuchia, thì độc giả càng thấy thấm thía những dằn vặt phía sau đạn bom mà nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã chắt chiu chuyển tải qua hình thức tiểu thuyết”, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nhận định.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thay mặt cho những nhà văn khoác áo lính của tạp chí, bày tỏ sự kính trọng và tiếc thương đến người đồng nghiệp của mình. Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, về đại thể, con người chúng ta sống ở một trong hai dòng: Một dòng thuộc về những gì lặng lẽ, kín đáo, khiêm cung nhưng cũng dữ dội và một dòng thuộc về những gì sôi động với tất cả những gì còn lại của đời sống.
Trong nhận định của nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Nguyễn Quốc Trung chắc chắn là một người lương thiện |
Và nhà văn Nguyễn Quốc Trung là người thuộc dòng sống thứ nhất, lặng lẽ, khiêm nhường, khiêm cung nhưng cũng rất quyết liệt.
“Anh Nguyễn Quốc Trung không phải là người trung dung, không cá tính mà trái lại, anh đầy cá tính, cũng rất quyết liệt. Cũng như mọi văn nghệ sĩ khác, anh cũng biết yêu, biết ghét. Yêu thì chu đáo, quấn quýt; ghét thì cũng chỉ tìm cách lảng tránh chứ không dày xéo, nhục mạ, không xúc đất đổ đi như đôi khi con người bình thường chúng ta vẫn thường làm. Một người ứng xử như thế với những gì mình không thích, tôi cho đó là người lương thiện. Và chắc chắn, anh Nguyễn Quốc Trung là một người lương thiện”, nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc vừa là đồng nghiệp vừa là đồng hương Hà Tĩnh với nhà văn Nguyễn Quốc Trung, phát biểu tại chương trình |
Trong suốt cuộc đời cầm bút, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã có 15 đầu sách ở nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký. Đặc biệt, với 4 tiểu thuyết: Đất không đổi màu, Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Người đàn bà khóc mướn, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã khẳng định tên tuổi, trở thành tác giả văn xuôi hàng đầu về chiến tranh biên giới Tây Nam.
Dù không thể tham dự nhưng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã vẽ chân dung nhà văn Nguyễn Quốc Trung và gửi tặng cho người thân của ông |
Ngoài đề tài chiến tranh, nhà văn Nguyễn Quốc Trung còn để lại một số tác phẩm về cuộc sống đời thường như: Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu (tập truyện ngắn) và Dòng sông bên chùa (tiểu thuyết).