…Giáo sư Hoàng Chương, nhà báo Hồ Hoa (lớp Văn 4)… rồi nhà thơ Thanh Thảo (Văn 2), Thế Khoa (Văn 1)… - năm 1966 chúng tôi gọi nhau như thế, báo tin: Nhà thơ Phạm Hổ đã qua đời!
Tháng 5-2004, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sau khi tham gia chấm giải thưởng Văn học Thiếu nhi thuộc Hội Nhà văn Việt Nam từ Hà Nội về chuyển chúng tôi bài viết về nhà thơ Phạm Hổ của tác giả Văn Hồng. Ánh nói: “Ít có mấy ai chung thủy với đề tài thiếu nhi như ông Phạm Hổ, Thy Ngọc… Ông Phạm Hổ bệnh nặng, yếu lắm”. Bài đăng, tác giả Văn Hồng và cả nhà thơ Phạm Hổ cảm ơn Báo SGGP.
Những năm 1966-1967, trong cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc của giặc Mỹ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên. Khu sơ tán của Văn 4 và Văn 1 là xã Tràng Dương. Lớp Văn 4 có chị Bạch Tuyết là vợ của nhà thơ Phạm Hổ, nên thỉnh thoảng nhà thơ lên thăm vơ con và các bạn sinh viên. Nhà thơ Phạm Hổ thăm Văn 4 nhưng thích Văn 1, vì chúng tôi còn trẻ, lại có gương sáng Nguyễn Ngọc Ký (viết và làm việc bằng 2 chân).
Năm 1970 vào học khóa 4 của Lớp bồi dưỡng của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Phạm Hổ là giảng viên Văn học thiếu nhi của chúng tôi. Cao Xuân Phách chơi thân với nhà văn Võ Quảng. Chúng tôi thường đùa Cao Xuân Phách giống nhà phơ Phạm Hổ bởi bao giờ cũng cười tươi và thân thiện.
Một người đàn ông quê ở Bình Định có giọng nói… hơi đanh của dân đất võ, lại có cái tên rất dữ dằn Phạm Hổ, nhưng lúc nào cũng cười vui, thân thiện luôn gợi sự tò mò và thú vị.
Nhà thơ Phạm Hổ là một trong số ít nhà thơ suốt đời và đam mê lạ lùng về văn học thiếu nhi. Từ tháng 9-1945 đến khi ngã bệnh, ông có 25 tập thơ, 35 truyện ngắn, 10 kịch bản sân khấu, hoạt hình, 3 tập truyện… chuyên viết về thiếu nhi. Hãy đọc lại vài câu thơ của Phạm Hổ để thấy cái tình của ông với tuổi nhỏ: “Hai ngọn cờ ngô/ Làm cây cày nhỏ/ Đem ra giữ ngõ/Buộc trâu đi cày”… (Bé đi cày). Hay: “Đám đất phẳng phiu/ Cỏ xanh xanh biếc/ Nhảy vào đấy chơi/ Em vui phải biết”… (Bê).
Thơ Phạm Hổ nồng ấm, chân thật. Cái đáng quý là cái tình của Phạm Hổ đối với trẻ nhỏ nghèo không may mắn. Thế giới thiếu nhi của Phạm Hổ có giá trị như một môi trường sinh thái lành mạnh cho mọi người. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Phạm Hổ đã trở thành châm ngôn của nhiều người là “Những ngày xưa thân ái”. Từ kỷ niệm đó, Phạm Hổ trải lòng mình suốt 81 năm (1926-2007). Con người ấy… cũng có lúc cô đơn, nhưng nhà thơ Phạm Hổ vẫn nhìn thấy “Lá vàng là sự cô đơn còn có sức để lượn bay/ Tiếng vạc đêm sương là cô đơn còn kêu được”…
Chị Hồ Hoa nói: “Có viết về nhà thơ Phạm Hổ, cho chị gởi lời chia buồn tới chị Bạch Tuyết, 2 cháu Phạm Sông Hồng, Phạm Sông Hương”.
Một con người ra đi, một nhà thơ ra đi… còn gì quý hơn – để lại cái tình với người đang sống!
VŨ KHOA