Ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) đang được tổ chức tại nhiều địa phương. Qua đó cộng đồng bày tỏ niềm thương cảm đối với các nạn nhân không may tử vong vì TNGT, cũng như chia sẻ, xoa dịu phần nào sự mất mát của người thân các nạn nhân. Hoạt động này cũng nhằm nhắc nhở ý thức phòng ngừa hiểm họa TNGT.
Ý nghĩa nhân văn của việc cầu siêu, tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT là mỗi cá nhân hãy vì chính mạng sống bản thân mình, vì sự an bình của người thân, vì tương lai con cháu và vì một xã hội văn minh hiện đại an toàn mà ra sức cùng Nhà nước chung tay bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Với niềm thương cảm những nạn nhân TNGT đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống; nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nhằm góp phần kéo giảm TNGT.
Vụ TNGT xảy ra ở Bình Định vào tháng 8-2017. Ảnh: NGỌC OAI
Trong 9 tháng đầu năm 2017, trên cả nước đã xảy ra hơn 14.000 vụ TNGT, khiến 6.100 người chết, gần 12.000 người bị thương. Mức tổn thất về nhân mạng như trong một cuộc chiến tranh.
Nguyên nhân các vụ TNGT đường bộ chủ yếu xuất phát từ các lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông dẫn đến TNGT, như đi không đúng làn đường, phần đường quy định, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, chạy quá tốc độ, chuyển hướng không đúng quy định.
Bên cạnh đó, các lỗi không nhường đường, vượt xe sai quy định, sử dụng rượu bia cũng chiếm tỷ lệ đáng kể. Mô tô, xe máy là loại phương tiện chiếm tới 66,7% các vụ TNGT.
Hiện nay, số lượng mô tô, xe máy chiếm hơn 85% tổng số phương tiện giao thông đang hoạt động trong cả nước. Tuy nhiên, ý thức giữ an toàn giao thông của nhiều người tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe máy vẫn chưa cao.
Cũng cần nói thêm, 40% số vụ TNGT xảy ra vào khoảng thời gian từ 18 giờ đến 24 giờ, đây là khoảng thời gian người lái xe bị tác động tâm lý muốn nhanh chóng trở về với gia đình, sự mệt mỏi, căng thẳng sau một ngày làm việc, sự chênh lệch về nhiệt độ, ánh sáng giữa ngày và đêm (đặc biệt đối với phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa…).
Đa phần TNGT xảy ra trên đường bộ, với 97,8%. Tuyến đường thường xảy ra TNGT chủ yếu là các tuyến quốc lộ (36%) và nội thị (34%). Đây là các tuyến đường có mật độ dân cư đông đúc, người và phương tiện tham gia giao thông đa dạng với mật độ cao, đặc điểm đường giao cắt nhiều, phương tiện lưu thông hỗn hợp nên dễ xảy ra va chạm.
Các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu về các yếu tố nêu trên để cảnh báo, chấn chỉnh việc điều khiển phương tiện của người lái xe, điều kiện về ánh sáng, tình trạng đường sá. Từng người tham gia giao thông cũng cần nâng cao cảnh giác khi tham gia giao thông có các yếu tố ảnh hưởng an toàn giao thông đó.
Cùng với những đau thương mất mát và những di chứng do thương tật kéo dài, TNGT còn gây ra gánh nặng cho cá nhân, gia đình và là tổn thất của xã hội khi phải chi hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục. Do vậy, người tham gia giao thông hãy tâm niệm: Thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn.