Tưởng nhớ một người thầy tài hoa

Giáo sư Hoàng Thiếu Sơn mất hồi 9g ngày 14-12-2005 tại nhà riêng (T6 ngõ 190 Lò Đúc - Hà Nội), quàn tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu Nghị. Thời gian viếng từ 8g đến 10g sáng thứ bảy 17-12-2005, 10g30 động quan.
Tưởng nhớ một người thầy tài hoa

Sau những ngày nảy lửa “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!” của người Hà Nội, chàng sinh viên Trường Luật trẻ trung, tuấn tú Hoàng Thiếu Sơn, bỏ chuyến du học (được cấp học bổng) ở Pháp, lên chiến khu Việt Bắc theo kháng chiến rồi gắn bó với học trò Trường Tân Trào - Tuyên Quang đến tận cuối đời. Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng trong lòng phụ huynh và học sinh Tuyên Quang vẫn nghĩ về thầy với một tấm lòng kính trọng, yêu quý.

Năm 1946, Trường Trung học Tân Trào ra đời, đáp ứng nhu cầu học tập của con em cán bộ cách mạng, bộ đội, đồng bào yêu nước lên chiến khu. Giữa mọi long đong, vất vả, thầy trò chỉ có hai bàn tay trắng, nhờ nhà dân làm lớp, thầy Hoàng Thiếu Sơn đã nhiệt tình lên bục giảng với vốn kiến thức rất đa dạng: văn, địa lý, lịch sử.

Tưởng nhớ một người thầy tài hoa ảnh 1

Thầy Hoàng Thiếu Sơn ở Hà Nội năm 1991.

Thu hút chúng tôi ngay từ giờ đầu là nét chữ rất đẹp và giọng giảng bài giàu nhạc điệu, ấm áp, mượt mà của thầy. Tôi thán phục tài vẽ bản đồ của thầy, mê chữ viết của thầy (sau này, theo nghề thầy, tôi đã luyện bằng được nét tài hoa ấy trong các giờ dạy địa lý).

Những hôm đẹp trời, thầy đưa chúng tôi ra bờ suối giảng bài. Học xong, bắt bướm ngũ sắc, chuồn chồn, thầy dạy cách ép “để ít nữa mang về Hà Nội làm kỷ niệm”. Có buổi thầy trò làm thơ, bình thơ... Gần thầy, chúng tôi vơi đi mọi gian lao, thiếu thốn, sốt rét, nhớ nhà... giữa rừng sâu hoang vu.

Những ngày say mê làm báo tường, thầy dạy các kiểu trình bày, các cách viết, vẽ minh họa rất tài hoa. Và nhất là khi tập kịch để chuẩn bị công diễn ở Việt Bắc, thầy đạo diễn vở Những người ở lại (của Nguyễn Huy Tưởng) rất công phu. Những ngày như thế, trong trái tim chúng tôi, thầy là thần tượng sáng ngời. Cha mẹ chúng tôi cũng hết lòng mến mộ, cho nên, dù chuyển vào sâu hơn, dù máy bay bắn phá dữ dội, dù sốt rét rừng tàn phá sức trẻ... vẫn một lòng gửi con theo thầy, theo trường ăn học.

Một dạo, thầy trò sốt rét như ngả rạ. Thầy Đoàn Chương nặng nhất, vì vốn đã lao phổi. Giai đoạn cuối, thầy ho ra máu nhiều. Một tay thầy Sơn nâng giấc, chăm sóc thầy Chương. Máu bạn hộc ra, đỏ đẫm tay áo, ngực áo thầy mà thầy không chút ghê sợ, vẫn vỗ về, chia sẻ đau đớn với bạn, tận phút lâm chung.

Ba giờ chiều ngày 24-4-1949, Trường Tân Trào chúng tôi chịu một cái tang rất lớn: máy bay Pháp giội bom xuống trường, giết chết 9 học sinh, 5 trai, 4 gái. Nỗi đau quá lớn đè nặng lên thầy trò, cha mẹ. Cả Tuyên Quang nháo nhác... Thầy Sơn có mặt ngay sau trận bom. Đêm hôm ấy, đuốc rực rừng Đền Cấm.

9 học trò nằm lại Tuyên Quang và tất cả những mái đầu đã bạc bây giờ, thầy chúng tôi chẳng quên tên một ai trong những lần họp mặt đồng môn Tân Trào hàng năm, vào ngày giỗ các bạn cũ. Một đời đầy nhiệt huyết, dốc mọi thương yêu và tài năng cho các thế hệ nhà trường, đến lúc tuổi đã cao, thầy vẫn còn vào giảng tận Đất Mũi – Cà Mau.

Nguyễn Viết Hùng - Nguyễn Thị Thao

Giáo sư Hoàng Thiếu Sơn mất hồi 9g ngày 14-12-2005 tại nhà riêng (T6 ngõ 190 Lò Đúc - Hà Nội), quàn tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu Nghị. Thời gian viếng từ 8g đến 10g sáng thứ bảy 17-12-2005, 10g30 động quan.


Tin cùng chuyên mục