Ngày 24-7, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (235 Nguyễn Văn Cừ, phường 4, quận 5, TPHCM) đã diễn ra chương trình tưởng nhớ nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa nhân một năm ngày ông đi xa.
Chương trình do Hội Nhà văn TPHCM, NXB Trẻ và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong phối hợp tổ chức, được diễn ra ngay tại khuôn viên của trường nhân ngày giỗ đầu của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953 - 2021).
Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20-5-1953 tại Chợ Lớn, là học sinh Trường Tiểu học Bình Tây và Trung học Petrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong). Thời trai trẻ, ông đã có mặt trong phong trào học sinh - sinh viên đấu tranh đô thị. Đất nước thống nhất, ông trở thành một nhà báo chuyên nghiệp và tạo ra dấu ấn quan trọng trong lịch sử báo chí nước nhà với đặc san trào phúng mang thương hiệu Tuổi Trẻ cười.
Chương trình tưởng nhớ nhà văn Lê Văn Nghĩa được diễn ra tại khuôn viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Ngoài hoạt động báo chí sôi nổi, ông còn tạo được dấu ấn trong lĩnh vực văn chương với hàng loạt tác phẩm.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa còn được biết đến là cây bút trào phúng đặc sắc với các bút danh: Điệp viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ… Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho rằng, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã góp phần to lớn hình thành dòng văn học trào phúng cho Sài Gòn - TPHCM nói riêng và cho Việt Nam nói chung.
Quang cảnh chương trình tưởng nhớ nhà văn Lê Văn Nghĩa “Chúng tôi tin rằng, rồi đây, sẽ phải có một công trình nghiên cứu công phu về dòng văn học trào phúng và dấu ấn Lê Văn Nghĩa, như một bằng chứng sinh động cho sức sáng tạo phong phú, đa dạng của đô thị phương Nam”, nhà văn Bích Ngân bày tỏ.
“Trò chuyện với Nghĩa, tôi nhận ra, dù đã sống ở đây nửa thế kỷ, tôi cũng chỉ mới biết được một phần của Sài Gòn bề mặt, chỉ có những người như Nghĩa mới cảm nhận và thấu hiểu được Sài Gòn bề sâu. Anh giao du cả với giới tinh hoa lẫn những nhân vật “cộm cán” của thế giới ngầm. Chưa tới 20 tuổi, anh đã ở tù chung với những trí thức khuynh tả nổi tiếng của miền Nam. Nếu sức khỏe cho phép, Nghĩa có thể đã xây dựng nhiều tác phẩm hư cấu và phi hư cấu đặc sắc hơn nữa”, GS Huỳnh Như Phương. |
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở những tác phẩm trào phúng thì nhà văn Lê Văn Nghĩa chỉ là một “người bán nụ cười” như tên một cuốn sách của ông. Với gần 30 cuốn sách đã xuất bản khi còn sống, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã tự vẽ chân dung một nhà văn Sài Gòn tận tụy và tài hoa. Theo nhà văn Bích Ngân, phong cách Sài Gòn của nhà văn Lê Văn Nghĩa chỉ thực sự hiển lộ, khi ông viết trực diện về Sài Gòn qua hai thể loại truyện dài và tản văn. Trong đó, mảng truyện dài viết về tuổi thơ Sài Gòn có lẽ sẽ khó tìm thấy tác giả viết được như nhà văn Lê Văn Nghĩa.
Nhà văn Bích Ngân chia sẻ về tầm quan trọng của những tác phẩm làm nên phong cách của nhà văn Lê Văn Nghĩa Nhân dịp này, gia đình cố nhà văn Lê Văn Nghĩa đã trao tặng áo dài và 500 cuốn sách cho học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Đó là tác phẩm của nhà văn lúc sinh thời do NXB Trẻ ấn hành như: Mùa hè năm Petrus, Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức, Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ, Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ…
Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình say sưa chia sẻ về người bạn chí cốt - cố nhà văn Lê Văn Nghĩa Cũng trong chương trình, nhiều tấm lòng nhân ái đã có những chia sẻ đến những em học sinh khó khăn của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Cụ thể, bà Mai Thị Hạnh, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đại diện Quỹ Chia sẻ Sharing đã trao 50 triệu đồng; Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn trao 15 triệu đồng cho các em học sinh mồ côi trong đại dịch và Quỹ học bổng Bùi Trọng Chương trao 25 suất, trị giá 275 triệu đồng. Cô Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đại diện nhà trường đã tiếp nhận những tấm lòng và món quà này.
QUỲNH YÊN