Từ Bến Tre, nhà thơ Kim Ba, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, và con trai nhà văn Trang Thế Hy là ông Võ Phạm Lê đã cùng lên tham dự.
Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29-10-1924 tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Năm 1992, sau thời gian hoạt động văn chương và báo chí sôi nổi tại TPHCM, nhà văn Trang Thế Hy nghỉ hưu và về ẩn cư tại Bến Tre. Ông qua đời vào ngày 8-12-2015 tại quê nhà.
Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, trước khi chuyển sang chuyên chú với thể loại văn xuôi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhà văn Trang Thế Hy từng có tác phẩm đầu tay là trường ca Thanh gươm tháng Tám in trên Báo Nhân dân Nam bộ vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp.
Khi chuyển sang văn xuôi, ông nhanh chóng được chú ý với các truyện ngắn Bên miệng hố bom đìa, Hột bụi, Quê hương thứ hai của người du kích, Vui nhỏ trên đường dây, Áo lụa giồng, Nắng đẹp miền quê ngoại… Trong đó, đáng chú ý nhất là truyện ngắn Anh Thơm râu rồng được trao giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1965.
Nhà văn Trang Thế Hy viết không nhiều. Cả sự nghiệp của ông có khoảng 50 truyện ngắn, 20 bài thơ và 4 tiểu thuyết. Có thể nói, 15 năm sau ngày đất nước thống nhất là khoảng thời gian chín muồi của hành trình sáng tạo Trang Thế Hy, với một loạt truyện ngắn gây được ấn tượng mạnh mẽ như Mưa ấm, Nợ nước mắt, Nghệ thuật làm bố dượng, Về nhà trước cơn mưa, Tiếng hát và tiếng khóc, Vết thương thứ 13…
“Với quan niệm “trong cao hứng phóng bút, phải nghiêm cẩn tự dặn dò mình đừng bao giờ tùy tiện bịa đặt”, nhà văn Trang Thế Hy chủ động hướng tác phẩm của mình về phía những số phận lam lũ và yếu thế mà ông xác định cần bênh vực. Đọc tác phẩm Trang Thế Hy, mỗi người đều có thể dễ dàng tìm thấy sự chiêm nghiệm và sự bao dung”, nhà văn Bích Ngân bày tỏ.
Vốn nổi danh ở lĩnh vực văn xuôi, vậy nên, vào năm 2009, ở tuổi 87, nhà văn Trang Thế Hy ra mắt tập thơ đầu tiên và duy nhất là Đắng và ngọt, khiến bạn bè và đồng nghiệp không khỏi bất ngờ. Người có công đưa thơ ông “ra ánh sáng” là nhà thơ Ngô Thị Hạnh.
Theo nhà thơ Ngô Thị Hạnh, thơ Trang Thế Hy khác lạ so những nhà thơ đương thời và những nhà thơ khác bởi sự quan sát tỉ mỉ rất… văn, trong văn ông có thơ và trong thơ có văn.
“Sự kết hợp hiếm hoi này đã khiến thơ của ông như đang kể cho người khác, cho nhân gian, không phải cho riêng mình. Thơ đúng là những khoảnh lặng… ngọt ngào và đắng ngắt, chỉ ngọt ngào thôi chưa đủ cho thơ. Vậy nên, tôi vẫn cảm thấy mình thật có duyên với thơ khi quyết định chọn tên cho tập thơ có tên là Đắng và ngọt”, nhà thơ Ngô Thị Hạnh chia sẻ.