Tháng 2-2014, nhà văn Nguyễn Quang Sáng ra đi, để lại nhiều tiếc thương cho người thân, đồng nghiệp và bạn đọc. Ông không chỉ đóng góp to lớn vào sự nghiệp văn học nước nhà mà truyền cảm hứng cho những người cầm bút thế hệ nối tiếp. Nhiều tác phẩm của ông có giá trị trong lòng bạn đọc như: Con chim vàng, Người quê hương, Nhật ký người ở lại, Đất lửa, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch, Cái áo thằng hình rơm, Mùa gió chướng, Người con đi xa, Dòng sông thơ ấu…
Ngoài văn chương, ông còn để lại những kịch bản phim điện ảnh - truyền hình giá trị như: Cánh đồng hoang, Pho tượng, Cho đến bao giờ, Mùa nước nổi, Dòng sông hát, Câu nói dối đầu tiên, Thời thơ ấu, Giữa dòng, Như một huyền thoại, Con khỉ mồ côi và hàng chục tập phim truyền hình Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt…
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho biết hơn nửa thế kỷ cầm bút miệt mài, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có một gia tài sáng tác đồ sộ. Ông gom nhặt từng câu chuyện đời thường và trình bày sinh động trong tác phẩm.
“Nghĩ và nhớ về nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chúng ta có thể vẫn hình dung một nhà văn thấp đậm có lối sống thân thiện và gần gũi, đôi phần thoải mái. Thế nhưng, trong tác phẩm của ông thì khác hẳn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng chặt chẽ về cấu trúc và tỉ mỉ về chi tiết. Từ những năm công tác tại Hà Nội đến sau này trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến khu Tân Biên hay những năm hòa bình, ông đều xem việc sáng tác là trọng tâm”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Trong lời đề dẫn hội thảo, PGS-TS Bùi Thanh Truyền, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Hội Nhà văn TPHCM, cho rằng suốt cuộc đời viết văn, Nguyễn Quang Sáng hầu như dồn mọi bút lực viết về mảnh đất, con người Nam bộ. Đó là những đề tài, cảm hứng đã thuộc lòng, đã chín trong tâm cảm tác giả. Từ tập truyện ngắn Con chim vàng lần đầu tiên được xuất hiện trên báo Văn nghệ năm 1957, cho đến lúc giã từ cõi tạm, ông đã để lại 16 tập truyện ngắn và tiểu thuyết cùng với hơn 10 kịch bản phim. Gia tài văn chương đó là minh chứng cho quả ngọt của tình yêu với quê xứ của nhà văn đậm đà hương thổ này.
“Viết về Nam bộ bằng cái tình rất riêng của mình, Nguyễn Quang Sáng đã làm phát lộ những vỉa tầng của một vùng văn hóa đặc trưng, giàu bản sắc. Những yếu tố ẩm thực, trang phục, phương tiện đi lại, nhà cửa, không gian sống, âm nhạc dân tộc, ứng xử… đều được thể hiện rất chân thực, cụ thể, sinh động”, PGS-TS Bùi Thanh Truyền cho biết.
Cũng tại chương trình, nhiều thế hệ cầm bút như PGS-TS Võ Văn Nhơn, nhà thơ Lê Quang Trang, nhà thơ Khuynh Diệp, nhà thơ Phan Hoàng, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân… cùng các độc giả có mặt, đã cùng nhau bày tỏ lòng tri ân, tôn vinh và tưởng nhớ đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Điểm chung của những tiếng lòng khi cùng nói về Nguyễn Quang Sáng, đó chính là sự yêu mến và kính trọng dành cho ông. Trong mắt nhiều người, ông là một nhà văn không chỉ tài năng mà còn đáng trọng ở nhân cách.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (còn có bút danh khác là Nguyễn Sáng), từng đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM (giai đoạn đó gọi là Tổng thư ký) từ khi thành lập năm 1981 đến năm 2000 và làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa 4. Bằng những đóng góp của mình, vào năm 2000, ông đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.