Tương lai tươi sáng trong quan hệ Việt Nam - Anh

Tối 29-12 (giờ Việt Nam), tại Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh, Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An và Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward đã đại diện chính phủ hai nước chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA).

Thỏa thuận song phương thế hệ mới

Phát biểu sau lễ ký kết, Đại sứ Trần Ngọc An cho biết, đây là sự kiện lịch sử, có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Ở tầm chiến lược, việc hoàn tất UKVFTA tạo thêm sự gắn kết và đan xen về kinh tế giữa hai nước, qua đó làm sâu sắc thêm và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Việt - Anh.

Đại sứ Trần Ngọc An nhận định, UKVFTA là thỏa thuận song phương thế hệ mới, chất lượng cao hướng tới loại bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cũng như hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa hai nước theo lộ trình ngắn. Bên cạnh các quy định về hàng hóa, hiệp định cũng có các điều khoản quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ (IP), tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững...

Điểm nổi bật trong UKVFTA là Việt Nam đã rất nỗ lực đạt được kết quả hạn ngạch thuế quan hàng nông sản, trong đó có gạo, mang tính đột phá. Hạn ngạch thuế quan này sẽ giúp gạo Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị phần tại Anh.

Tương lai tươi sáng trong quan hệ Việt Nam - Anh ảnh 1                Lễ ký kết UKVFTA tại Anh đêm 29-12. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward vui mừng khẳng định, đây là bước ngoặt trong quan hệ hai nước, là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược. Hiệp định thương mại tự do này sẽ đảm bảo thương mại song phương tiếp tục tăng tốc và là một tin vui cho 3.000 doanh nghiệp của Anh tiếp tục xuất khẩu sang Việt Nam. Điều này cũng mang lại tin tốt lành cho người tiêu dùng Anh, những người muốn tiếp cận với các sản phẩm như điện thoại di động, quần áo, giày dép và các sản phẩm khác được sản xuất tại Việt Nam.

Những cơ hội

Nghị sĩ Heather Wheeler, Phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh phụ trách khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết, bà vô cùng vui mừng khi hai đại sứ đã hoàn thiện Hiệp định thương mại tự do Việt - Anh bằng lễ ký kết chính tại London, củng cố mối quan hệ lịch sử hai nước và mở ra một tương lai tươi sáng. Tầm quan trọng của đàm phán là mang lại kết quả 65% các loại thuế quan được dỡ bỏ và con số này sẽ tăng lên 99% trong giai đoạn chuyển tiếp 7 năm tới. Nghị sĩ Heather Wheeler nhận thấy những cơ hội mà UKVFTA cho phép nhằm mở rộng kinh doanh, sản xuất... Bà dự định sẽ xúc tiến ngay các chuyến công du đến Việt Nam sớm nhất có thể.

Tương tự, nước Anh chào đón các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ họ mở rộng xuất khẩu. Bà Heather Wheeler cho rằng, trong thời kỳ hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), việc mở rộng xuất khẩu, bao gồm việc mở rộng các ngành công nghệ cao là một lĩnh vực tăng trưởng mới. Dịch vụ công nghệ của Việt Nam có tiềm năng thực sự, từ đó mở rộng kinh doanh sản phẩm bán dẫn phục vụ xuất khẩu. Hai quốc gia cũng có hợp tác giáo dục tuyệt vời, đặc biệt là ở cấp độ đại học. UKVFTA mở rộng cơ hội mua sắm chính phủ lên 50% tổng số hợp đồng và có thể thấy các doanh nghiệp Vương quốc Anh sẽ hưởng lợi rất lớn từ đó.

Bộ trưởng Bộ Công thương TRẦN TUẤN ANH:

Doanh nghiệp có thể tiết kiệm 3.500 tỷ đồng/năm nhờ cắt giảm thuế

Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Ngoài việc tiếp tục thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình của Hiệp định EVFTA, nước Anh vẫn dành lượng hạn ngạch nhất định cho 14 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi theo cơ chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định EVFTA; trong đó có những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu lớn như gạo, thủy sản… nên sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Theo tính toán, nhờ UKVFTA, giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi đưa vào Anh có thể đạt 3.500 tỷ đồng/năm.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) LƯƠNG HOÀNG THÁI:

Cơ hội lớn cho hàng dệt may Việt Nam vào Anh

Hiệp định UKVFTA được thực thi sẽ mang lại lợi thế cho các ngành hàng xuất khẩu của chúng ta như: dệt may, thủy sản, lâm sản và đồ gỗ, gạo và rau quả… bởi thị trường Anh có nhu cầu lớn về các sản phẩm này. Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhu cầu hàng nông sản, thực phẩm, đồ bảo hộ bệnh viện, găng tay, khẩu trang, dụng cụ xét nghiệm… ở thị trường Anh tăng mạnh.

Tuy nhiên, Anh là thị trường rất khó tính về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc nên các doanh nghiệp cần phải chú trọng uy tín các mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu. Riêng với ngành hàng dệt may, cửa xuất khẩu vào thị trường Anh sẽ rộng mở hơn nhờ mới đây Việt Nam và Hàn Quốc đã ký thỏa thuận về cộng gộp xuất xứ để được hưởng ưu đãi cắt giảm thuế quan khi xuất hàng vào EU.

Chuyên gia kinh tế NGUYỄN ĐÌNH BÍCH:

Cần khai thác tốt thị trường lớn

Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn và đầy tiềm năng đối với hàng hóa của Việt Nam. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 281 tỷ USD các loại hàng hóa năm 2020 của Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu sang Anh là 4,5 tỷ USD (số liệu trong 11 tháng năm 2020), tức chiếm tới 1,8%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Anh vào Việt Nam chỉ hơn 600 triệu USD. Như vậy, năm nay Việt Nam xuất siêu vào Anh tới 3,9 tỷ USD và chiếm tới hơn 20% giá trị xuất siêu trong năm 2020.

Anh là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3 ở châu Âu đối với hàng hóa Việt Nam (sau Hà Lan có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 là 6,2 tỷ USD và Đức có kim ngạch 6 tỷ USD). Do đó, sau khi có hiệp định này, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng cao hơn trong năm 2021 nhờ chính sách thuế quan được gỡ bỏ. Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng vào sản phẩm chất lượng tốt để tiếp cận, mở rộng khai thác thị trường rất tiềm năng này.

PHÚC VĂN ghi

Tin cùng chuyên mục