Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) mới công bố, giai đoạn 2014-2023, xuất khẩu vũ khí của Pháp đã tăng 47%. Trên thị trường xuất khẩu vũ khí của thế giới, Pháp chiếm 10,92% thị phần. Mỹ tiếp tục thống trị với 42%, trong khi Nga tụt xuống hàng thứ ba với 10,54%.
Theo ông Léo Péria-Peigné, chuyên gia về vấn đề vũ khí thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Pháp, sở dĩ Pháp có bước nhảy vọt trong ngành công nghiệp vũ khí trước hết là nhờ sự sụt giảm xuất khẩu vũ khí của Nga, do Moscow phải tập trung cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tiếp đến, Pháp còn không phải tuân thủ Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) do Mỹ áp đặt. Theo đó, các nhà sản xuất Pháp đảm bảo thiết bị vũ khí của họ không liên quan đến các điều khoản của luật Mỹ về xuất khẩu thiết bị phục vụ chiến tranh. Vũ khí Pháp không có các chi tiết có thể gặp phản đối của Washington. Đây chính là điểm mạnh để Pháp có thể thuyết phục các khách hàng ký các hợp đồng mua vũ khí lớn.
Như vậy, ngoài hiệu quả, chất lượng của thiết bị, các thách thức quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong thành công của vũ khí Pháp. Mua hàng của Pháp cũng là cách không để bị rơi vào tầm ngắm của Washington. Ví dụ như khi một nước mua thiết bị quân sự của Nga, quốc gia đó lập tức sẽ nằm trong danh sách đen của Mỹ. Đơn cử trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, nước này mua tên lửa đất đối không S-400 của Nga nên đến giờ vẫn bị cấm mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ.
Trong khi đó, với nhiều quốc gia, mua vũ khí của Pháp cũng là cách để củng cố quan hệ đồng minh. Như Hy Lạp mua chiến đấu cơ Rafale - sản phẩm tinh hoa của ngành xuất khẩu vũ khí Pháp, nhằm bảo đảm sự ủng hộ của Pháp trong các tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ. Chất lượng vũ khí Pháp cũng được đánh giá cao trong nhiều lĩnh vực như tên lửa trang bị cho tàu chiến và tàu ngầm, đại bác, trực thăng, radar, hay vệ tinh quan sát... Có thể nói, công nghiệp quốc phòng Pháp đang đứng trước một tương lai phát triển lâu dài.