Thay nhau “chiếm hữu” bờ sông
Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch xây dựng, cho biết cuối năm 2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có báo cáo kết quả rà soát quy hoạch và quản lý xây dựng dọc tuyến sông Sài Gòn. Theo đó, cả tuyến sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi đến quận 7 có khoảng 50 đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, 84 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, khu phức hợp thương mại - dịch vụ, khu công viên kết hợp vui chơi giải trí, với khoảng 454ha đang được phát triển ven sông. Trong đó, có 13 chủ đầu tư với 116 lô đất ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ sông.
Vì sao? Trong đề tài nghiên cứu của một nhóm kiến trúc sư chỉ rõ: Mặc dù phát triển đô thị tại TPHCM vẫn luôn xem sông Sài Gòn là một trong những đặc điểm nổi bật của TP, sông Sài Gòn vẫn là trục bố cục tổ chức cảnh quan chính của TP. Tuy nhiên, vẫn chưa được xem là một đối tượng cần ưu tiên đặc biệt. Các nghiên cứu, giải pháp quy hoạch hiện nay chỉ mang tính cục bộ và riêng lẻ theo từng khu vực và chức năng, chứ chưa mang tính tổng thể cho toàn bộ tuyến sông. Mặc dù TP có quy định hành lang bờ sông Sài Gòn là 30 - 50m, tùy đoạn. Tuy nhiên, thực tế các dự án đã triển khai trước năm 2004 và có hành lang an toàn không đồng đều, từ 20 - 50m, đặc biệt có dự án triển khai sau này cũng lấn chiếm bờ sông nghiêm trọng…
“Tình trạng lấn chiếm sông rạch để phát triển dự án nêu trên, ngoài công tác quản lý đô thị “có vấn đề”, phải chăng có một phần nguyên nhân từ việc thiếu một đồ án quy hoạch 2 bên bờ sông nhằm đảm bảo thống nhất về tổ chức và quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông? Chúng ta không thể cứ giao đất cho doanh nghiệp để họ toàn quyền xây dựng, mà cần có kịch bản quy hoạch ven sông Sài Gòn”, kiến trúc sư Ngô Anh Vũ nhận định.
Thiếu nguồn vốn chỉnh trang Kiến trúc sư Khương Văn Mười nêu lên một trở ngại nghiêm trọng trong việc chỉnh trang 2 bên bờ kênh rạch của TPHCM là TP có 39 tuyến kênh rạch, nhưng chỉ có kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được chỉnh trang. Theo thống kê, đến nay toàn TP xây được 4.176/6.000km cống thoát nước; nạo vét, cải tạo 60,3/5.075km kênh rạch (đạt hơn 1%); hoàn thành xây dựng 1/10 cống kiểm soát triều; xây dựng 64/129km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn; mặc dù quy hoạch 104 hồ điều tiết nhưng vẫn đang loay hoay tìm nguồn để đầu tư… Hoài nghi giai đoạn 2 dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, giai đoạn 2 của Dự án cải thiện môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang tiến hành rất chậm và đang gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên, việc tập trung đầu mối xử lý nước thải vào một trạm cạnh sông Sài Gòn có thể chưa thực sự hiệu quả, vì đã bỏ qua sự cần thiết của việc tổ chức xử lý nước thải cục bộ trên toàn khu vực, người dân vẫn tiếp tục xả thải và xả rác ra kênh. Dự án quy hoạch chỉnh trang 110ha đô thị khu vực dọc bờ kênh Nhiêu Lộc thuộc địa bàn quận 3 ảnh hưởng khoảng 54 ngàn người. Khu vực chỉnh trang sẽ hình thành 7 dự án, gồm khu chung cư, Trung tâm Thương mại Lê Văn Sỹ, khu tái định cư tại Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn, khu vực nhà ga Hòa Hưng và các khu chỉnh trang đô thị tại các phường 7, 9, 11 và 14. Tổng vốn dự án hợp tác công tư (PPP) dự kiến hơn 14.000 tỷ đồng, đang cần phải điều chỉnh và giải quyết nhiều vấn đề chưa khả thi, vì hầu hết đề xuất là xây dựng mới, vốn đầu tư cho đền bù giải tỏa và xây dựng rất cao. Đề án chỉ chú trọng phần xây dựng dự án địa ốc; xóa sạch để phát phát triển mà bỏ quên xây dựng hạ tầng xã hội, bỏ qua giải pháp bảo tồn… |
Việc quản lý ven bờ sông Sài Gòn là vấn đề cực lớn trong việc quản lý đô thị của TPHCM. Nếu thực hiện tốt, sẽ là tài sản để đời cho con cháu mai sau, còn không sẽ rất khó giải thích với thế hệ sau này…
Gợi ý quy hoạch sông Sài Gòn, kiến trúc sư Ngô Anh Vũ cho rằng, có thể chia sông Sài Gòn thành các phân đoạn khác nhau. Đoạn 1, từ ranh giới phía Bắc TP đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 và một phần quận Bình Thạnh (bờ Tây), một phần quận Thủ Đức (bờ Đông) đến cầu Bình Triệu dài khoảng 60km. Đối với khu vực từ ranh giới phía Bắc TP - Củ Chi đến cầu Bình Phước (quận 12) dài 54km, không gian dọc bờ sông rộng khoảng 30m sẽ quy hoạch chức năng cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Đoạn từ cầu Bình Phước đến cầu Bình Triệu dài khoảng 6km, trên không gian dọc bờ sông rộng khoảng 30m, quy hoạch chức năng cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Định hướng quy hoạch các khu vực tiếp giáp với hành lang bảo vệ bờ sông chủ yếu là khu dân cư, kết nối dải cây xanh ven sông với các công viên ở phía trong...
Đoạn 2, từ cầu Bình Triệu đến cầu Tân Thuận dài khoảng 15km, không gian dọc bờ sông rộng khoảng 50m, sẽ quy hoạch chức năng cây xanh, đường giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật và không gian văn hóa, ẩm thực…
Đoạn 3, từ cầu Tân Thuận đến hết sông Sài Gòn (mũi Đèn Đỏ, quận 7), dài khoảng 6km. Khu vực này đã hình thành một số đoạn đường giao thông ven sông theo quy hoạch, nhưng chưa tạo thành tuyến kết nối thông suốt. Không gian dọc bờ sông rộng khoảng 50m sẽ quy hoạch chức năng cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật; các khu vực tiếp giáp với hành lang bảo vệ bờ sông là khu dân cư, khu công nghiệp, khu công viên văn hóa giải trí tại khu vực mũi Đèn Đỏ.
Dưới góc nhìn tổng thể, kiến trúc sư Võ Kim Cương nêu quan điểm, cần có một đồ án quy hoạch xây dựng gắn kết với các đồ án quy hoạch về giao thông thủy, quy hoạch thủy lợi chống ngập, quy hoạch du lịch - văn hóa - giải trí, quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị 2 bên sông rạch. Yêu cầu đặt ra, cảnh quan ven sông kênh rạch được tạo thành từ các công trình bên hành lang trên nền các công trình đô thị phía sau, nếu nhìn từ phía sông lên. Đây chính là yêu cầu đầu tiên ràng buộc việc khai thác quỹ đất dọc hành lang, nhằm đảm bảo mục tiêu về cảnh quan và môi trường đô thị. Các công trình trên hành lang không được che khuất dòng sông; các công trình và cây xanh ở đây còn phải tôn tạo vẻ đẹp của các công trình lớn phía sau, là yếu tố then chốt để tạo nên đặc trưng cảnh quan sông nước của TPHCM.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc Tài liệu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về việc cải tạo sông Hàn ở Hàn Quốc là bài học hết sức đặc biệt. Sông Hàn dài 514km, rộng khoảng 1km, chảy qua trung tâm Seoul. Trong thế kỷ 20, do dân số Seoul tăng nhanh nên hoạt động đô thị hóa tác động đến 2 bên bờ sông Hàn. Đến thập niên 1980, sông Hàn bị ô nhiễm nặng do nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Các bãi cát trắng biến mất và môi trường sinh thái bị hủy hoại. Từ thập niên 1990, chính quyền TP Seoul thực hiện hàng loạt dự án cải tạo sông Hàn và quy hoạch lại khu vực ven sông theo hướng gần gũi với môi trường tự nhiên. Nhà chức trách bắt đầu xây hàng loạt công trình công cộng dọc bờ sông Hàn như: công viên, sân bóng, đường chạy bộ, bể bơi và các cơ sở giải trí khác; đồng thời triển khai các dự án quan trọng khác là phát triển rừng Seoul, đảo Seonyudo và đảo Bamseom, làm khu sinh thái dọc sông Hàn. Các nghiên cứu chỉ ra có rất nhiều yếu tố tạo ra sự thành công cho nỗ lực cải tạo bờ sông Hàn, đó là ý chí chính trị, sự kết hợp của chính phủ với khối tư nhân, tham khảo ý kiến người dân và đấu thầu thiết kế một cách cạnh tranh, công khai, minh bạch… |