Ông Barnier không hù dọa. Báo The Straits Times nhận định, Brexit không phải là câu chuyện kẻ thắng người thua, mà là câu chuyện về những người thua hiện nay và nhiều người thua hơn nữa về sau này. Nếu rời khỏi EU, người Anh sẽ phải chịu thua thiệt nhiều nhất. Trước mắt họ phải vật lộn để tạo dựng các quan hệ thương mại mới và xây dựng cho bản thân một vai trò mới trên thế giới. Tuy nhiên, EU cũng bị thiệt hại, vì sự ra đi của Anh không chỉ lấy đi khoảng 12% dân số và 17% ngân sách chung của EU, mà Anh còn có thể trở nên cạnh tranh hơn rất nhiều trong việc thu hút đầu tư và thương mại.
Một vài tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã 2 lần công khai nói về việc Anh là “đối thủ ở ngưỡng cửa châu Âu”. Một khi rời khỏi châu Âu, Anh sẽ tìm cách tạo đòn bẩy cho những lợi thế đang có của mình và điều này gây phương hại cho EU. Những biện pháp mà Anh thực hiện có thể bao gồm việc xây dựng những quy định linh hoạt hơn về lao động và đầu tư, cũng như các thị trường tự do hơn. Đây chính là những điều mà EU nhìn chung nhận thấy khó có thể nhượng bộ.
Anh rời khỏi châu Âu còn đồng nghĩa với việc lấy đi 1 trong 2 nước thành viên EU sở hữu đầy đủ các năng lực quân sự đúng vào thời điểm mà vai trò của châu Âu trên trường quốc tế đang suy giảm, phải đối mặt với hàng loạt các mối lo gây chia rẽ nội bộ. Các nước Đông Âu lo lắng về “mối đe dọa từ Nga”, trong khi người Nam Âu mong muốn tập trung vào mối đe dọa về nhập cư bất hợp pháp từ châu Phi. Mọi người đều khẳng định rằng “thời khắc của châu Âu đã đến” do các chính sách theo xu hướng biệt lập của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trung Quốc là một nước lớn, một cường quốc đang trỗi dậy và là thị trường lớn, đem đến cả cơ hội lẫn mối đe dọa. Trung Đông, nơi mà sự ổn định của nó có thể lập luận là có ý nghĩa then chốt đối với EU hơn là đối với Mỹ, người châu Âu vẫn chỉ là những khán giả.
Sự ra đi của Anh còn dội một gáo nước lạnh vào lòng tự trọng của châu Âu và tác động tiêu cực tới hình ảnh mà khu vực này muốn khuếch trương với thế giới. Chỉ cách đây vài năm, các quan chức EU từng đi khắp thế giới để đưa ra những lời khuyên cho các nước khác về việc họ cần tăng cường sự quản trị tốt, và cách tốt nhất để làm được điều đó là đi theo mô hình của EU. Nhưng một tổ chức đang mất đi thành viên rõ ràng không phải là một hình mẫu để các nước khác noi theo.
Trong ngắn hạn, EU sẽ không suy yếu. Sẽ không có quốc gia thành viên nào khác nghĩ đến việc rời đi và EU chưa bao giờ được lòng dân như hiện nay. Tuy nhiên, khi những thách thức về an ninh, kinh tế tiếp tục gia tăng trong tương lai, Anh rời EU vào thời điểm này cũng đã đủ tồi tệ. Điều đó sẽ tồi tệ hơn nữa nếu phần còn lại của châu Âu không biết cách tận dụng nó như một cơ hội để tiến hành cải cách sâu rộng cách thức vận hành tổ chức này.