Kết thúc giai đoạn hợp tác Đông - Tây
Chỉ trong tháng 4, ISS đã tấp nập các chuyến bay lên xuống. Vào ngày 9-4, tên lửa Soyuz của Nga đưa 1 phi hành gia Mỹ và 2 phi hành gia Nga đến phòng thí nghiệm của ISS cách bề mặt Trái đất 420km. Sau đó 8 ngày, một tên lửa Soyuz khác chở bộ ba phi hành gia Mỹ và Nga khác trở lại Trái đất. Đến ngày 23-4, tàu không gian của Mỹ SpaceX đưa thêm 2 người Mỹ, 1 người Nhật Bản và 1 người Pháp kết nối ISS. Tuy nhiên, cảnh nhộn nhịp như vậy trên ISS sắp chấm dứt. Tuần qua, Nga đã thông báo sẽ rút khỏi ISS vào năm 2025.
Bất chấp căng thẳng gia tăng giữa Nga và Mỹ trong thập niên qua, các cơ quan vũ trụ của hai nước vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau, cùng với 13 cơ quan vũ trụ các nước. Theo Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), từ năm 2000 đến nay, ISS đã đón 243 người từ 19 quốc gia.
Theo báo Financial Times, giáo sư Anu Ojha, Giám đốc Học viện Vũ trụ quốc gia Vương quốc Anh và là cố vấn của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), cho biết: “Tôi chỉ nghe thấy những điều tích cực về các phi hành gia và các nhà du hành vũ trụ khi họ làm việc cùng nhau”.
Trong những năm đầu xây dựng và lắp ráp các module của ISS, từ năm 1998, Nga và các đối tác phương Tây hợp tác chặt chẽ. Ông Ojha khẳng định: “NASA và ESA không thể xây dựng trạm vũ trụ nếu không có chuyên gia Nga. Người Nga là bậc thầy về xây dựng trạm module vũ trụ”.
Các nước phương Tây cần tên lửa của Nga để chở vật liệu, con người đến và đi từ ISS. Sự phụ thuộc này càng tăng lên khi NASA ngừng hoạt động đội tàu con thoi vào năm 2011 và Soyuz trở thành phương tiện chở khách duy nhất có thể đưa các phi hành gia vào quỹ đạo. Chỉ đến năm 2020, NASA mới bắt đầu sử dụng hệ thống tàu không gian SpaceX của tỷ phú Elon Musk.
Đối với Cơ quan vũ trụ LB Nga (Roscosmos), hợp tác với phương Tây thông qua ISS cũng làm tăng thêm nguồn tài chính. NASA chi 3,9 tỷ USD thuê Soyuz vận chuyển phi hành gia lên ISS từ năm 2011-2019. Mặc dù chuyến đi của phi hành gia Mark Vande Hei lên ISS trong tháng 4 có thể không phải là chuyến cuối cùng của một người Mỹ bằng tên lửa của Nga, nhưng phần lớn các phi hành gia không phải người Nga sẽ đi trên SpaceX hoặc trên tên lửa Starliner của Boeing, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2022.
Trong 15 năm đầu tiên, các phi hành đoàn của ISS tập trung vào công việc lắp ráp và hiệu chỉnh kỹ thuật, có nghĩa là môi trường làm việc không trọng lực mới chỉ mới được thiết lập. Mới đây, phi hành gia NASA Kate Rubins vừa trở lại Trái đất vào giữa tháng 4 kể lại hàng trăm giờ của chị trên ISS để làm các thí nghiệm sinh học, từ giải mã ADN trên trạm vũ trụ đến trồng mô tim người và rau. Lĩnh vực nghiên cứu quan trọng nhất của ISS là nỗ lực tìm hiểu những tác động lâu dài của du hành vũ trụ đối với sức khỏe con người, để chuẩn bị cho những nỗ lực dự kiến ở Mặt trăng hoặc du hành tới sao Hỏa.
Hướng hợp tác khác
Đối với Nga, quyết định chấm dứt tham gia ISS được cho là sẽ dẫn đến nhiều hợp tác không gian hơn với Trung Quốc. Đây cũng là một phần trong chiến dịch xoay trục rộng lớn hơn về phía Bắc Kinh của Điện Kremlin.
Kể từ khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây lần đầu tiên được áp đặt lên Moscow liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã tăng gấp đôi nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Hai nước đã đạt được các thỏa thuận về hợp tác quốc phòng và không gian trong khi thương mại song phương tăng gần gấp đôi so với năm 2010, đạt 110 tỷ USD vào năm 2019.
Năm 2020, Roscosmos đã từ chối lời đề nghị từ Mỹ về việc tham gia chương trình Artemis do NASA dẫn đầu, nhằm đưa con người ở lại lâu hơn trên Mặt trăng. Vào tháng 3, Nga và Trung Quốc đã đồng ý phát triển chung một căn cứ ở Mặt trăng để “thúc đẩy việc khám phá và sử dụng không gian một cách hòa bình cho tất cả nhân loại” (theo biên bản ghi nhớ giữa hai nước).
Roscosmos tuần qua cũng cho biết họ đặt mục tiêu lập trạm không gian của riêng Nga vào năm 2030, sử dụng các module được thiết kế kiểu như ISS. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Giám đốc Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, cho biết: “Khả năng là vào năm 2030, chúng tôi có thể đưa một trạm không gian vào quỹ đạo, đó sẽ là một bước đột phá to lớn”.
Trên truyền hình Nga, Phó Thủ tướng Yuri Borisov cho biết, trong tương lai, trên trạm không gian của Nga, ngoài các phi hành gia còn có sự tham gia làm việc của trí tuệ nhân tạo và robot. Ông nhấn mạnh, Nga đã sẵn sàng xem xét cho các phi hành đoàn nước ngoài đến thăm nhưng dứt khoát trạm không gian của Nga phải mang tính quốc gia. Interfax dẫn lời một nguồn tin giấu tên cho biết Nga đã lên kế hoạch chi tới 6 tỷ USD để đưa dự án này vào hoạt động.
Trung Quốc cũng sẽ sớm đưa module để xây dựng Trạm vũ trụ Trung Quốc (CSS). Tàu mang module này dự kiến cất cánh vào cuối tháng 4. Đây là đỉnh cao của dự án mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra từ năm 1992. Sau khi module này lên không gian, Trung Quốc có kế hoạch phóng thêm ít nhất 10 lần phóng khác chở các module còn lại và chở hàng hóa để hoàn thành việc lắp ráp CSS vào cuối năm 2022.
CSS nặng 100 tấn, hình chữ T, sẽ bao gồm 3 module chính: module lõi dài 18m, được gọi là Tianhe và 2 module dùng làm phòng thí nghiệm dài 14,4m, được gọi là Wentian, được gắn vĩnh viễn vào hai bên của module lõi. Là trung tâm quản lý và điều khiển của trạm, Tianhe có thể chứa 3 phi hành gia với thời gian lưu trú lên đến 6 tháng. CSS có khối lượng chưa bằng 1/4 khối lượng của ISS. Thay vào đó, cấu hình 3 module dựa trên nhu cầu của Trung Quốc trong việc thực hiện các thí nghiệm khoa học cần thiết.
ISS nặng 440 tấn với kinh phí xây dựng 150 tỷ USD sẽ hết tuổi thọ và cần được đưa trở lại Trái đất dự kiến vào năm 2025. Tương lai của ISS vẫn đang được đàm phán sau khi các thỏa thuận hợp tác hiện tại hết hiệu lực vào cuối năm 2024. Theo NASA, từ quan điểm kỹ thuật, ISS có thể hoạt động đến cuối năm 2028. Dĩ nhiên, ISS sẽ được nâng cấp nếu muốn tồn tại lâu hơn, nhất là hệ thống điện và thông tin liên lạc. |