Tuy nhiên, theo hãng tin BBC, việc có tới 117 nghị sĩ bỏ phiếu bất tín nhiệm là một đòn giáng thực sự cho uy tín chính trị của Thủ tướng Anh.
Giới quan sát nhận định, uy tín cá nhân không phải là nỗi lo lớn nhất vào thời điểm hiện nay của Thủ tướng Anh. Làm sao thuyết phục được các nghị sĩ tại Hạ viện bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit mới là ưu tiên của bà May vào lúc này. Đây thực sự là một thách thức của Thủ tướng Anh khi mà những khó khăn, ở cả bên ngoài lẫn bên trong, đang bủa vây bà. Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Anh vào ngày 13 và 14-12 tại Brussels nhưng trước đó đã tuyên bố không đàm phán lại với London những nội dung đã thỏa thuận xong. Trong khi đó, đảng Dân chủ Hợp nhất Bắc Ireland (DUP), hậu thuẫn cho chính phủ tại Hạ viện, lại yêu cầu bà May đàm phán lại với EU phần kế hoạch dự phòng đối với vấn đề đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Chưa hết, Thủ tướng May và chính phủ của bà còn đối mặt với nguy cơ một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện do Công đảng đối lập đang phát động. Ngoài ra, những người thuộc phe cực hữu trong đảng Bảo thủ có thể sẽ cùng với các đảng đối lập, trong đó có cả các nghị sĩ của DUP, ngăn cản Thủ tướng May có đa số phiếu ủng hộ thỏa thuận Brexit tại Hạ viện. Với những khó khăn kể trên, viễn cảnh thông qua thỏa thuận Brexit tại Hạ viện thực sự còn quá xa vời.
Trong bối cảnh đó, kịch bản Anh và EU “ly dị” mà không đạt được thỏa thuận nào hiện đang nổi lên như một lựa chọn mang tính khả thi cao. Nếu đến ngày 29-3-2019, thời hạn Anh rời khỏi EU, không có thỏa thuận nào đạt được và hai bên không kéo dài thêm thời hạn, Anh sẽ trở thành quốc gia ngoài EU mà không có bất kỳ giai đoạn chuyển tiếp nào. Và như thế, London sẽ mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu, không còn tên trong các hiệp định thương mại của EU với các quốc gia khác. Trong trường hợp này, theo ước tính, GDP của Anh sẽ giảm 8%. Quan hệ chính trị giữa Anh và EU sẽ trở nên mờ nhạt, quan hệ thương mại chỉ còn dựa trên những điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). EU sẽ áp đặt lên Anh mức thuế như các nước ngoài EU và điều này sẽ khiến đời sống và việc làm của người dân Anh bất ổn...
Ngoài chuyện chưa thấy được chút ánh sáng nào cho tương lai nước Anh sau Brexit, việc bà May tuyên bố từ chức trước tổng tuyển cử 2022 sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực trong đảng Bảo thủ, làm nảy sinh cạnh tranh ngôi vị lãnh đạo đảng, khiến đảng này trở nên chia rẽ hơn trong thời gian tới. Đó thực sự là bất lợi rất lớn trong cuộc chạy đua với Công đảng đối lập tại cuộc tổng tuyển cử 2022. Những gì xảy ra trên chính trường Anh trong mấy tuần qua đã cho thấy một tương lai bất ổn, khó đoán định đang chờ đợi nước Anh và đảng Bảo thủ.