Chính phủ Anh ngày 2-7 thông báo, có hơn 6 triệu công dân các nước EU đã nộp đơn xin ở lại Anh định cư sau Brexit, gần gấp đôi số người được cho là đang sống tại vương quốc này trước khi London rời EU. Về lý thuyết, ngày 30-6 là hạn chót để nhận đơn đăng ký theo cơ chế định cư cho phép công dân EU cư trú tại Anh được hưởng các quyền như trước Brexit. Nhưng kể từ khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit vào ngày 1-1-2021, các công dân EU mong muốn định cư hoặc ở lại Anh phải đối mặt với quy trình kiểm tra khó khăn hơn để đảm bảo cư trú và việc làm.
Bộ Nội vụ Anh cho biết đã tiếp nhận hơn 400.000 đơn xin ở lại Anh trong tháng 6. Tuy nhiên, những người đã bỏ lỡ hạn chót với “lý do hợp lý” vẫn có thể nộp đơn trễ hạn. Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cho biết, Anh cam kết bảo vệ quyền lợi của các công dân EU hậu Brexit. Theo thống kê, hiện còn khoảng 570.000 đơn xin định cư đang chờ phê duyệt.
Từ ngày 1-7, bất kỳ người nhập cư từ EU không nộp đơn sẽ mất quyền hợp pháp để làm việc, thuê nhà ở và tiếp cận một số loại hình điều trị ở bệnh viện, hoặc trợ cấp phúc lợi ở Anh. Họ thậm chí có thể bị trục xuất. Nhiều người lớn tuổi đã sống ở Vương quốc Anh trong nhiều thập niên, không biết thông tin phải nộp đơn, và số liệu chính thức cho thấy, chỉ 2% người nộp đơn từ 65 tuổi trở lên. Nhiều bậc cha mẹ cũng không biết phải nộp đơn cho con mình. Những người dễ bị tổn thương khác, chẳng hạn như trẻ em đang được xã hội chăm sóc, cũng có nguy cơ sống tại Anh mà không có tư cách pháp nhân.
Ông Lara Parizotto, nhà vận động của nhóm mang tên The3million - được thành lập sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit để vận động cho quyền công dân EU ở Anh đã hối thúc các công dân EU nộp đơn. Theo ông Parizotto, không có số liệu cho biết chính xác có bao nhiêu người đã bỏ lỡ thời hạn nộp đơn. Một nhà vận động khác, bà Elena Remigi, cho biết, bà lo ngại chính sách của Chính phủ Anh có thể dẫn đến một di sản tai hại tương tự như vụ bê bối Windrush. Theo đó, nhiều người từ vùng Caribe định cư hợp pháp ở Anh nhiều thập niên trước, đã mất nhà cửa và việc làm, hoặc thậm chí bị trục xuất chỉ vì không xuất trình được giấy tờ chứng minh quyền cư trú của mình.
Sự việc có lẽ đang ở mức đáng lo ngại như cảnh báo của ông Ian Blackford, lãnh đạo khu vực Westminster thuộc đảng Quốc gia Scotland. Theo ông, trừ khi Thủ tướng Boris Johnson có chính sách linh hoạt hơn, các công dân EU có thể phải đối mặt với các cuộc đột kích của cảnh sát cũng như sống trong môi trường thù địch và bị tổn thương khi luôn đối mặt với khả năng bị trục xuất.
Một số nhà ngoại giao EU đã cảnh báo rằng, một số quốc gia thành viên không hài lòng với tiến trình của Anh và muốn Brussels khởi động hành động pháp lý chống Anh nếu tình hình không được cải thiện. Không chỉ có vậy, các nhà ngoại giao EU cũng cảnh báo việc Anh yêu cầu những người đã định cư ở Anh từ trước Brexit nộp đơn xin định cư lần thứ 2 sau thời gian cư trú 5 năm là trái với tinh thần của thỏa thuận Brexit giữa EU và Anh.