Chưa có điểm dừng
Theo CNBC, đồng bitcoin hiện đã mất đến 80% giá trị so với đỉnh từng lập được trong năm 2017. Mức giá mới này phản ánh phần nào tâm lý lo ngại của giới đầu tư sau hơn một năm lao vào cơn sốt đào tiền ảo. Một số đánh giá cho rằng, sự sụt giảm của bitcoin chưa đến điểm dừng. Thậm chí, bitcoin có thể sẽ xuống mức 2.500 USD/bitcoin trước khi bước sang năm 2019.
Lý giải cho nguyên nhân lao dốc của đồng bitcoin, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, xuất phát từ cuộc đấu tranh giành quyền lực của 2 nhóm phát triển liên quan tới đồng bitcoin cash (có “họ hàng” với đồng bitcoin chỉ ở cái tên). Đó là nhóm phát triển bitcoin ABC (bitcoin cash theo giao thức mới) và vision bitcoin satoshi (BSV). Các đồng tiền mới này không thay thế cho đồng bitcoin ban đầu, nhưng lại tạo ra sự hỗn độn trên thị trường tiền điện tử vì tính chất tương tự, thậm chí, ngay cả các sàn giao dịch cũng khó khăn khi xác định nhà đầu tư đang giao dịch đồng tiền nào. Chưa kể, những cuộc chiến này làm dấy lên mối nghi ngờ về một trong những yếu tố thu hút cơ bản của tiền điện tử, đó là sự khan hiếm.
Thêm yếu tố khác, đó là việc giới chức Mỹ và nhiều quốc gia khác thắt chặt quản lý tiền điện tử, khiến đồng tiền này không thể trở thành một công cụ thanh toán chính thức, dẫn đến áp lực bán ra mạnh hơn so với hoạt động mua vào. Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã trì hoãn việc chấp thuận các công cụ bitcoin mới, trong khi tiến hành điều tra các đợt phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng (ICO), cũng như hoạt động giao dịch tiền ảo. (SEC) đã công bố án phạt dân sự đầu tiên đối với một số công ty tiền ảo. Hành động này là một phần trong những nỗ lực rộng lớn của nhà chức trách Mỹ, nhằm ngăn chặn các hoạt động gian lận trong ngành tiền ảo. Bộ Tư pháp Mỹ còn đang điều tra xem đợt tăng giá chóng mặt của bitcoin hồi năm ngoái có phải là kết quả của hành vi thao túng thị trường.
Sự thận trọng của nhiều nước đối với tiền ảo do tâm lý lo ngại về hoạt động giao dịch tiền ảo có liên quan đến khủng bố và tội phạm. Sau khi ra đời từ 10 năm trước, bitcoin lặng lẽ phát triển trong vài năm, chủ yếu thu hút sự chú ý của dân công nghệ và tội phạm. Giới tội phạm vì thế coi đây là công cụ để rửa tiền. Theo Lực lượng Đặc nhiệm tài chính (FATF), có trụ sở tại Paris (Pháp), dù tiền ảo và các dịch vụ liên quan có triển vọng giúp cải thiện hiệu quả và đổi mới tài chính, nhưng loại tiền này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị khủng bố lợi dụng để nhận hỗ trợ tài chính, do đó các chính phủ cần phối hợp để giải quyết mối đe dọa trên.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu điều tra về hoạt động giao dịch tiền ảo được tung ra vào tháng 8 năm nay cho thấy, có đến 70% các cuộc ICO (gọi vốn cho các dự án tiền ảo) là lừa đảo hoặc thất bại, khiến giới đầu tư tiền ảo mất niềm tin vào thị trường tiền ảo, phản ánh qua lượng giao dịch và tổng giá trị giao dịch liên tục sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, việc đồng bitcoin giảm mạnh là một cơ hội tốt để nhà đầu tư có thể tham gia các dự án tiền điện tử khả thi với mức giá hợp lý.
Phá sản vì bitcoin
Không thể phủ nhận rằng, trong thập niên đầu tiên kể từ ngày ra đời, bitcoin thu hút nhiều nhà đầu tư, với hy vọng đồng tiền kỹ thuật số này có thể tái định hình tài chính toàn cầu bằng cách thay thế phương tiện thanh toán truyền thống. Tuy nhiên, cả hãng tài chính lớn lẫn doanh nhân tiền mã hóa đều cho rằng, yếu tố ổn định giá vẫn không đủ để bitcoin được chấp nhận. Bitcoin phải nhanh hơn, rẻ hơn.
Ngoài ra, việc được quy định, quản lý rõ ràng cũng sẽ giúp người dùng có cảm giác nó hợp pháp hơn. Công nghệ blockchain, nơi tất cả hoạt động bitcoin được ghi lại và xác thực, chỉ có thể xử lý phần nhỏ số giao dịch mà các hãng thẻ tín dụng lớn thực hiện được trong 1 giây. Thực tế này khiến việc áp dụng bitcoin trong thanh toán là không thể.
Bitcoin vốn được tạo ra với mục tiêu trở thành phương thức thanh toán dễ dàng hơn, rẻ hơn xuyên biên giới và các đồng tiền điện tử khác cũng có mục tiêu tương tự. Nhưng cho tới nay, thứ duy nhất trở nên phổ biến là hoạt động đầu cơ trên thị trường tiền điện tử. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng đưa ra khuyến cáo, cho rằng để kiểm soát tốt đồng bitcoin, các ngân hàng trung ương nên thiết kế đồng tiền điện tử tương tự như bitcoin. Nếu các ngân hàng trung ương vào cuộc, việc quản lý thị trường tiền điện tử sẽ trở nên hiệu quả hơn, góp phần đáng kể vào cải thiện hệ thống thanh toán, đồng thời hạn chế được nhiều rủi ro về niềm tin, quy định trên thị trường còn hỗn loạn hiện tại.
Theo Coinmarketcap, so với thời điểm đầu năm, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền ảo toàn cầu đã “bốc hơi” trên 700 tỷ USD, hiện còn chưa đầy 130 tỷ USD. Cơn sốt tiền ảo qua đi cũng là lúc nhiều nhà đầu tư trên thế giới lâm vào cảnh khánh kiệt. Ăn theo bitcoin, rất nhiều công ty mở ra để tận dụng công nghệ blockchain, nhưng lại thất bại vì bitcoin lao dốc. Lý do nằm ở chỗ, đào bitcoin là hoạt động tạo ra đồng mã hóa mới bằng việc giải các phép tính phức tạp, đòi hỏi lượng điện năng khổng lồ. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận khai thác bitcoin lao dốc khi giá bitcoin trượt sâu. Nếu giá giảm quá mạnh, thì chuyện đào bitcoin không còn khả thi về mặt kinh tế. Ví dụ điển hình nhất là Giga Watt, công ty này đã đệ đơn xin phá sản lên tòa án ở Washington vào ngày 19-11.
Theo hồ sơ, Giga Watt nợ 20 bên cho vay không có bảo đảm gần 7 triệu USD. Trong số các chủ nợ có đơn vị cung cấp dịch vụ chung tại quận Douglas, nơi Giga Watt đặt trụ sở và nhà cung cấp điện Neppel Electric. Hai bên này cho Giga Watt vay lần lượt 310.000 USD và gần 500.000 USD. Tài sản của Giga Watt ước tính trị giá không đến 50.000 USD, trong khi nghĩa vụ trả nợ nằm trong khoảng 10 - 50 triệu USD.
Giga Watt do nhà đào bitcoin Dave Carlson thành lập, với ý định mở cửa ngành công nghiệp này cho các nhà đào tiền ảo quy mô nhỏ, bằng cách tạo ra các máy đào tùy chỉnh, nguồn điện rẻ và ổn định, bảo dưỡng 24/24 giờ tại cơ sở ở Washington. Nằm trong kế hoạch cho phép nhà đầu tư mua cổ phần công ty, Giga Watt phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng (ICO) hồi tháng 5-2017 và huy động được 22 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ đến tháng 1 năm nay, một nhóm nguyên đơn đã kiện Giga Watt. Họ muốn đòi lại các khoản đầu tư bởi Giga Watt không đáp ứng hạn chót trong quá trình xây dựng, cáo buộc công ty không giữ cam kết hoàn tiền cho nhà đầu tư.
Tại Trung Quốc, nơi đào bitcoin lớn nhất trên thế giới, cũng chịu tác động tương tự. Trong tuần trước, Suanlitou, nền tảng đào tiền mã hóa tại Hồng Công ra tuyên bố, họ không thể chi trả nổi tiền điện trong thời gian 10 ngày của tháng 11. Một nhóm những nhà đào tiền mã hóa khác của Trung Quốc cũng cho biết, đã phải dừng hoạt động 20.000 máy đào tiền mã hóa do sự sụt giảm lợi nhuận.