Ngày 11-3, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) xác nhận, sau thời gian dài triển khai, đến nay cơ bản công trình tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã hoàn thành. Ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh đang hoàn tất các thủ tục báo cáo UBND tỉnh Bình Định xem xét, chỉ đạo hội đồng nghệ thuật tỉnh này nghiệm thu công trình.
Tháng 1-2019, công trình tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (gọi tắt là công trình) chính thức khởi công xây dựng. Công trình được đầu tư trên diện tích đất 3.000m2 ở khu đồi Lâm Viên (thị trấn Vĩnh Thạnh) do Công ty Cổ phần Mỹ thuật hữu nghị Việt Nam (trụ sở tại TP Hà Nội) thi công.
Công trình được xây dựng bằng nguyên liệu đá nguyên khối, phần tượng đài cao 20m, thân tượng cao 15,5m, bục tượng cao 4,5m; kết cấu sân, mặt bậc cấp khuôn viên công trình được làm bằng vật liệu bê tông, lát đá granite tạo hoa văn…
Nội dung công trình phác họa, tái hiện hình tượng tổng thể về tình quân và dân ở 2 làng Tơlok, Tơlek (người dân tộc Bana) tự vũ trang đứng lên chống lại chế độ Mỹ - Diệm, xảy ra cách nay 60 năm.
Được biết, công trình tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh xây dựng từ 70% ngân sách của tỉnh Bình Định và nguồn vốn xã hội hóa của huyện Vĩnh Thạnh, tổng vốn đầu tư 48 tỷ đồng.
Nhiều "sóng" dư luận trái chiều Giữa lúc công trình tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đang triển khai, khoảng tháng 7-2020, nhiều ý kiến dư luận “dậy sóng” khi báo chí thông tin về công trình này. Nhiều ý kiến cho rằng, Vĩnh Thạnh là 1 trong 3 huyện nghèo nhất tỉnh Bình Định nhưng đổ tiền xây tượng đài đến 48 tỷ đồng, trong khi đời sống người dân còn rất thấp, khó khăn, thiếu thốn. Ngoài ra, ý kiến nghệ nhân dân tộc Bana tại huyện Vĩnh Thạnh cũng cho rằng, công trình tượng đài trên có nhiều điểm không phù hợp với văn hóa của người Bana… |