Đưa chúng tôi tới trước bức tường mặt tiền chung cư 151 Nguyễn Đình Chính, anh Vũ Minh Hải (phụ trách văn hóa phường 11, quận Phú Nhuận) giới thiệu: “Đây là bức tranh vẽ cảnh Bưu điện Thành phố do một họa sĩ cư ngụ trong phường thực hiện. Bức tranh chiếm trọn mảng tường diện tích hơn 10m2, đã tô điểm cho không gian sống động của khu vực đường Nguyễn Đình Chính và đầu con hẻm 149”. Cũng theo anh Hải, tại bức tường này trước đây là nơi tập kết rác thải, điểm đậu xe và buôn bán hàng rong tự phát. Từ khi có bức tranh đẹp này đã thay đổi bộ mặt của cả khu vực, người dân đã ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh môi trường, thường xuyên quét dọn sạch sẽ, khang trang.
Ở hẻm 145 Nguyễn Đình Chính, trên bờ tường dài bên hông một tòa nhà cũng có một bức tranh khá lớn vẽ cảnh chợ Bến Thành. Con hẻm khá rộng, khang trang, tô điểm một bức tranh màu vẽ đẹp, sống động, được cư dân trong khu vực tôn lên thành “con hẻm hội họa”. Hàng ngày, cư dân trong con hẻm cắt cử người quét dọn vệ sinh, trực gác nhắc nhở người dân không xả rác, thả gia súc, tiểu tiện, vẽ bậy lên bức tranh và khu vực xung quanh. Trong các dịp lễ tết, nhiều nhà còn mang những chậu hoa tươi đến đặt dưới chân bức tường.
Anh Hải cho biết, ở các con hẻm 155/1 Nguyễn Văn Trỗi, 347 Huỳnh Văn Bánh, 48 Hồ Biểu Chánh còn có những bức tranh được vẽ theo chủ đề như: Trụ sở UBND TPHCM, rặng trúc đường làng, các chậu hoa lan, hoa hồng, hoa huệ…, đã làm tươi mới, sống động cho các khu dân cư và góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sắc màu, thân thiện cho cuộc sống thêm tươi vui.
Bà Trần Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND phường 11, cho biết, sau 2 năm thực hiện mô hình “Cải tạo tường cũ thành tác phẩm tranh đường phố xanh”, đến nay toàn phường đã có 7 địa điểm có tác phẩm tranh đường phố. Số kinh phí khoảng gần 100 triệu đồng thực hiện tranh vẽ do người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp. Như các bức tranh rặng trúc đường làng cao 2m, dài gần 20m ở hẻm 155/1 Nguyễn Văn Trỗi, hay hình ảnh chợ Bến Thành xưa, chi phí thực hiện hơn 30 triệu đồng do chủ nhà có bức tường vẽ tranh và người dân trong khu vực đóng góp. Ngoài ra, còn có các đường hoa trong các con hẻm nhỏ được người dân tự vẽ lên theo chủ đề khung cảnh và cuộc sống người dân trong khu vực, đã nói lên thông điệp về một môi trường xanh, cuộc sống thân thiện, an hòa của một đô thị sôi động, phát triển.
Theo ông Nguyễn Quốc Thái, Phó trưởng Phòng VH-TT quận Phú Nhuận, trên địa bàn 17 phường trong quận có hàng trăm địa điểm có tác phẩm tranh và các con hẻm hoa, phong cảnh. Mô hình “Tường cũ thành tác phẩm tranh đường phố xanh” khởi đầu từ năm 2017, bắt đầu từ phường 5. “Lúc đó sơ khởi lắm, các bức tranh được thực hiện trên chất liệu sơn, hình thức vẽ không được đẹp. Sau này, từng phường có cách nâng chất lên, từ chất liệu đến chủ đề tranh vẽ. Trong đó, mỗi phường chọn ra các chủ đề riêng, bao gồm: An toàn giao thông, vệ sinh môi trường, trẻ em, gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, phòng cháy chữa cháy... Ở những nơi có bức tường rộng thì kết hợp vẽ tranh và trồng cây dưới chân tường, tạo vẻ mỹ quan trên địa bàn. Tiêu biểu về mô hình này năm nay có các phường 1, 3 và 10 với nhiều bức tranh diện tích rộng, đẹp, có giá trị nghệ thuật cao, thu hút người dân hàng ngày đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh giới thiệu đến bạn bè, người thân ở địa phương khác”, ông Thái chia sẻ.
Từ mô hình “Tường cũ thành tác phẩm tranh đường phố xanh” ở quận Phú Nhuận, các quận huyện khác trên địa bàn thành phố có thể vận dụng theo cách riêng để tạo nên một không gian đô thị sắc màu, tươi mới, góp phần tô điểm cho cuộc sống người dân ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.