Tham dự có các đồng chí: Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM các thời kỳ, các đồng chí lão thành cách mạng, đảng viên cao tuổi Đảng; các đoàn viên thanh niên ưu tú, công dân trẻ tiêu biểu TPHCM, các cá nhân đạt giải cuộc thi viết Ngày tôi vào Đảng...
Niềm tin son sắt
Phát biểu khai mạc và đề dẫn, đồng chí Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành Đoàn TPHCM khẳng định, nói đến “sắt son” là sự thủy chung không bao giờ thay đổi, phai nhạt. Niềm tin là sự tin tưởng. “Sắt son niềm tin” vừa là tình cảm cách mạng, nhưng cũng là sự biết ơn sự dẫn dắt của Đảng với đoàn, với tuổi trẻ. Đó còn là sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, một lòng một dạ kiên trung với lý tưởng cách mạng của Đảng, vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vào công cuộc đổi mới đất nước.
Bí thư Thành Đoàn Phạm Hồng Sơn cũng gửi gắm niềm tin phải luôn đi đôi với hành động, đề nghị các đảng viên trẻ, đoàn viên ưu tú đề xuất các giải pháp để góp phần vào sự phát triển chung của TP và cả nước, thể hiện vai trò của mình để tiếp bước, phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng.
Đồng chí Hoàng Đôn Nhật Tân, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Thành Đoàn khẳng định sự tin tưởng và kỳ vọng thế hệ 4.0 sẽ tạo nên những kỳ tích ngoạn mục “siêu trí tuệ” theo lý tưởng của Đảng.
Theo đồng chí Hoàng Đôn Nhật Tân, thế hệ Z – thế hệ 4.0 (khoảng từ 15-25 tuổi) của Việt Nam hiện nay ước tính khoảng hơn 14 triệu người, trưởng thành song song với công nghệ thông tin và mạng xã hội.
Họ có lợi thế về ngoại ngữ, văn hóa, kiến thức giúp họ có cách tiếp cận đa chiều với kỹ thuật tiện lợi “thế giới trong lòng bàn tay” trước những vấn đề thời đại, so với thế hệ trước đây, với kỹ thuật số (công nghệ 4.0) thế hệ Z đang trở thành tâm điểm của thời đại.
Theo đồng chí Hoàng Đôn Nhật Tân, tổ chức Đoàn cần làm cho thanh niên hiểu về những thời cơ, thách thức mà người trẻ sẽ gặp phải, vai trò, sứ mệnh của mình trong việc đưa đất nước phát triển trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp người trẻ nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng cảm xúc cách mạng để tuổi trẻ ngày nay không bị đứt gãy với quá khứ đáng tự hào của dân tộc.
Trang bị lý luận cho thanh niên
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cũng đặt ra vấn đề cần coi trọng hơn nữa công tác giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Bí thư Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đề xuất cần trang bị cho thanh niên về tư duy phản biện, tranh biện như thế nào cho đúng, để tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Do vậy thanh niên cần tự trang bị cho mình tính chiến đấu của người cộng sản chân chính để làm nên cuộc cách mạng 4.0.
“Với tinh thần như thế, Đảng sẽ trẻ mãi – các đoàn viên thanh niên sẽ làm nên sức mạnh, sức trẻ của Đảng đã 90 năm lịch sử”, đồng chí Nguyễn Trọng Xuất nói.
PGS.TS. Vũ Tình, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG -HCM nhấn mạnh, niềm tin sắt son phải được xây dựng trên luận cứ khoa học và kiểm nghiệm trên thực tiễn. Chỉ có thể mang lại niềm tin cho người khác khi mình hiểu và có niềm tin vững chắc vào điều đó.
Theo PGS.TS Vũ Tình, bản thân thanh niên phải nắm vững tư tưởng lý luận, không cần thuộc câu chữ, mà chỉ cần nắm cái thần của nó.
Tổng kết tọa đàm, đồng chí Dương Thế Trung, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM gửi gắm, mỗi đồng chí tham gia tọa đàm sẽ có những thu hoạch của riêng mình, suy ngẫm, soi rọi và liên hệ với trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương mình; góp phần bồi dưỡng nhận thức, củng cố vững chắc niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng niềm tin yêu của Đảng và nhân dân cả nước.
Dịp này, Ban Tổ chức cuộc thi viết "Ngày tôi vào Đảng" cũng đã trao giải cho 9 tác giả. Sau hơn 2 tháng triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được 2.823 bài viết, trong đó có 35 bài thi nổi bật nhất được chọn vào vòng chung khảo. Giải nhất được trao cho tác giả Phạm Văn Thiệu (quận Thủ Đức) với bài viết "Kết nạp Đảng trước giờ ra trận". Tác giả Hồ Minh Quân (huyện Củ Chi) nhận giải nhì với bài "Chào đồng chí, người đảng viên trẻ...". Đồng giải ba thuộc về Hồ Thị Huyền Trang (Công an TPHCM) với bài "Những ánh sáng soi đường" và Châu Tiến Lộc (Thành Đoàn TPHCM) với bài "Kiên tâm, bền chí để trở thành đảng viên". |