Nguyễn Trung Khang (20 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đi bầu cử. Tôi sẽ bầu những đại biểu đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của thanh niên và mong rằng người trẻ sẽ được hỗ trợ, tiếp sức chạm đến những cơ hội mới”. Giống như Khang, Nguyễn Thị Châu Anh, sinh viên Trường Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) lần đầu tiên cầm thẻ cử tri. Châu Anh bộc bạch: “Tôi nhận thấy mỗi cử tri, đặc biệt là người trẻ, cần nhận thức về giá trị của phiếu bầu. Vì thông qua đó, người trẻ sẽ thể hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước”.
Những ngày này, Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên Trường Đại học Quốc tế giới thiệu trên fanpage các thông tin về bầu cử đến sinh viên dưới nhiều hình thức như bài viết, hình ảnh, infographic trực quan sinh động. Các cuộc thi, sân chơi “sinh viên với pháp luật chuyên đề bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp” được tổ chức để các bạn trẻ tìm hiểu sâu hơn về sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng này.
Dù thông tin của ứng cử viên được cung cấp khá đầy đủ, chi tiết nhưng anh Nguyễn Văn Phúc (29 tuổi, ngụ quận 4) vẫn dành thời gian tìm hiểu thêm về ứng cử viên qua Internet và các kênh khác để có cái nhìn toàn diện hơn khi đi bầu. “Tôi hy vọng đợt bầu cử này sẽ chọn được người có năng lực và phẩm chất. Mong rằng, họ sẽ đấu tranh với các vấn đề tiêu cực và có nhiều hiến kế góp phần xây dựng đất nước”, anh Phúc chia sẻ.
Theo TS Trần Tuấn Duy, Trưởng khoa Luật, Học viện Cán bộ TPHCM, muốn người dân nói chung, trong đó có các bạn trẻ tham gia tích cực hơn vào hoạt động chính trị này, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và gia đình cần tuyên truyền để các bạn trẻ hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc bầu cử.